Dân Việt

Cuộc sống người Việt vùng tâm dịch Ebola: Hơn 200.000 đồng/chai nước rửa tay

19/08/2014 14:50 GMT+7
- "Từ khi Ebola lan đến Sierra Leone, tôi gần như ở suốt trong nhà, rất ít khi ra ngoài, có việc gì đều giao trợ lý là người bản xứ làm", anh Lê Trọng Nha (quê Vũng Tàu), hiện đang làm quản lý nhà hàng Indochine tại thủ đô Freetown của Sierra Leone cho biết.

Không dám ra ngoài

Sierra Leone là một trong 4 nước Tây Phi đang phải gồng mình chống lại đại dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

img Tình hình kinh doanh nhà hàng Indochine tại Freetown gặp nhiều khó khăn kể từ khi dịch Ebola bùng phát. Ảnh: NVCC

 

Tại Sierra Leone, hiện có khoảng 20 người Việt đang làm việc tại đây, trong đó có khoảng 5 người làm việc tại nhà hàng, 4 người làm photo lab, còn lại làm việc tại một số dự án nông nghiệp.

Anh Nha thông tin, ban đầu một số người Việt rất hoang mang, nhất là những người làm lao động phổ thông. Còn một số anh em trí thức thì họ hiểu biết hơn nên khá bình tĩnh.

"Hiện tại, tất cả anh em ở đây đã nắm rõ thông tin về Ebola nên đã bình tâm trở lại. Tuy nhiên, do tình hình tại một số vùng đang diễn ra căng thẳng nên tôi và mọi người vẫn đang theo dõi. Trong trường hợp nguy cấp, anh em sẽ di chuyển qua nước khác hoặc về nước", anh Nha cho biết.

Anh Nha cung cấp thêm, tại thủ đô Freetown, cách khu vực cách nhà hàng của anh chừng 5-10km đã có vài chục trường hợp nhiễm Ebola.

"Từ khi Ebola lan đến Sierra Leone, tôi gần như ở suốt trong nhà, rất ít khi ra ngoài, có việc gì đều giao trợ lý là người bản xứ làm", anh Nha cho hay.

Theo số liệu mới nhất của WHO, hiện quốc gia này đã có 334 trường hợp tử vong do nhiễm virus Ebola trên tổng số 783 ca mắc. Chưa dừng lại, số lượng ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tăng thêm. 

 

Trường học, cơ quan đồng loạt đóng cửa

Anh Lê Trọng Nha thông tin, hiện tại trường học, cơ quan, các tụ điểm đông người như quán bar, rạp chiếu phim... tại Sierra Leone đều đã đóng cửa đồng loạt.

"Sắp tới đây, chính quyền cho biết họ sẽ giới nghiêm luôn nên anh em người Việt bên này vẫn đang theo dõi tình hình", anh Nha nói.

Do tình hình Ebola tại Sierra Leone đang mất kiểm soát nên các cơ quan nước ngoài, các công ty lớn cũng đã đóng cửa. Nhiều nước cũng đã rút lao động về nước.

Vì vậy, tình hình kinh doanh nhà hàng tại Freetown bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Nhà hàng Indochine là số 1 tại Sierra Leone nên thức ăn, dịch vụ ở đây rất cao. Thường chỉ có người giàu, giới thượng lưu, chính quyền mới tới ăn. Nhưng giờ các cơ quan rút hết hoặc đóng cửa nên lượng khách rất ít. Tình hình kinh doanh càng ngày càng khó khăn" - anh Nha chia sẻ.

Hơn 200.000 đồng 1 chai nước rửa tay

Tính đến ngày 15.8, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có thêm 152 ca nhiễm Ebola mới được xác nhận tại 4 nước Tây Phi, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.127 người, trong đó số ca tử vong là 1.145 người.

Để hạn chế lây lan Ebola, một số hãng hàng không như British Airways, Emirates Airlines, Arik Air, ASKY... đã tạm ngừng các chuyến bay đến 3 nước: Sierra Leone, Guinea và Liberia.
Sierra Leone được biết đến là một quốc gia Tây Phi nghèo nàn, song anh Lê Trọng Nha cho biết tại thủ đô Freetown, việc mua các nhu yếu phẩm y tế cần thiết như cồn, thuốc sát khuẩn, nước rửa tay... không quá khó khăn.

 

Tuy nhiên giá cả thì cực kỳ... đắt đỏ do hầu hết các mặt hàng ở châu Phi đều là nhập khẩu, họ không sản xuất trực tiếp ra được. Khi có dịch Ebola, mặt hàng nào cũng lên giá.

Anh Nha dẫn chứng, một chai nước rửa tay bình thường chỉ 3 USD nhưng giờ lên tới gần 10 USD.

Dịch vụ y tế tại Sierra Leone cực kỳ nghèo nàn, thưa thớt và đắt đỏ. Việc chẩn đoán không chắc chắn.

Anh Lê Trọng Nha ví dụ, một lần anh bị cảm, tụt huyết áp do làm việc nhiều nhưng đi khám họ dò ra bị sốt rét. Cán bộ y tế sau đó truyền chai nước, tiêm 1 mũi, hết 50 USD.

"Ở đây hễ ốm sơ sơ, cảm gì đó là họ đoán ngay là sốt rét", anh Nha vui vẻ nói.

img Một tấm banner hiếm hoi tại thủ đô Freetown khuyến khích người dân đến ngay các trung tâm y tế để chữa trị Ebola. Ảnh: AP

 

Dù dịch bệnh Ebola diễn biến nghiêm trọng là vậy, song ngay tại thủ đô Freetown, phải đi vài cây số mới có một bảng thông báo.

"Thông tin đại chúng thì nghèo nàn lắm. Internet thì đắt, khoảng 10.000 đồng/50MB nên người dân họ không tiếp cận được".

Được biết, cách đây 2 tuần, toàn thành phố Freetown giới nghiêm trong vòng 1 ngày. WHO cùng một số tổ chức từ thiện của thế giới đến điều tra về Ebola.

Chỗ nào phát hiện người nhiễm, các chuyên gia y tế tiến hành cách ly trong các khu riêng biệt được lập sẵn. Trường hợp tử vong được thiêu hoặc chôn theo phong tục địa phương.

Lao động nước ngoài được hỏi thăm

Trong khi đó, trao đổi với PV, chị Nguyễn Kim Thanh, hiện đang kinh doanh tại Ghana cho biết, tại Liberia có khoảng 15 người Việt đang sinh sống và làm việc tại đó, chủ yếu là người Đà Nẵng.

Tính đến ngày 15.8, tại Liberia đã có 413 người chết vì Ebola, tăng 58 trường hợp so với tuần trước.

Do dịch bệnh Ebola diễn biến quá nghiêm trọng, xâm nhập vào cả các thành phố lớn nên nhiều lao động tại Liberia đã về nước trong ngày 16.8.

Qua các ông chủ Việt Nam tại Liberia, chị Thanh cho biết trước đó những lao động Việt Nam tại Liberia được rất nhiều người trong nước gọi sang hỏi tình hình. Trong đó có các đoàn thể, hỏi xem có vấn đề gì khó khăn, cần giúp đỡ hay không.

Để tạo điều kiện cho anh em, các công ty tại Liberia đã chủ động mua vé máy bay.

Trong số 4 quốc gia Tây Phi ở tâm dịch Ebola, Liberia là nước duy nhất Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông Đặng Quốc Dũng, Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria cho biết, do Việt Nam chưa có đại sứ quán tại Liberia cũng như sứ quán kiêm nhiệm nên rất khó để nắm tình hình người Việt tại đây.

Theo ông Dũng, trong trường hợp lao động Việt Nam rời khỏi Liberia có hai khả năng: Một là về Việt Nam, hai là lánh qua những nước lân cận chưa nhiễm Ebola.