Dân Việt

Sau việc Bộ NNPTNT bác đề xuất nhập tàu cũ: Cấp “quota” đóng tàu cho các địa phương

Thanh Xuân 20/08/2014 07:13 GMT+7
Sau khi bác đề xuất nhập tàu vỏ thép cũ của 2 công ty, Bộ NNPTNT đã đưa ra giải pháp, đó là sẽ cấp “quota” tàu được đóng cho các địa phương. 

Giao các địa phương đóng hơn 2.000 tàu

Việc 2 doanh nghiệp là Công ty Trí Việt và Công ty Đức Khải xin nhập và đóng mới (220 và 100 tàu cá vỏ thép) lần lượt bị Bộ NNPTNT bác đã khiến dư luận băn khoăn, vậy chúng ta sẽ sắm tàu mới như thế nào theo các chính sách quy định tại Nghị định 167?

Giải đáp câu hỏi này, hôm qua 19.8, ông Đào Hồng Đức – Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho NTNN biết, để triển khai Nghị định 67 về chính sách phát triển thuỷ sản, Bộ NNPTNT đã phê duyệt dự thảo đóng mới 2.079 chiếc tàu khai thác và 200 tàu dịch vụ (gồm cả tàu vỏ sắt, vật liệu mới, vỏ gỗ..). Dự thảo này đã gửi cho địa phương để lấy ý kiến, trên cơ sở các địa phương cho ý kiến bộ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo dự thảo trên, tỉnh Bình Định sẽ được cấp “quota” nhiều nhất với 288 chiếc tàu, có công suất 400CV trở lên. Bà Mai Kim Thi – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Bình Định cho biết, hiện UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý với dự thảo của Bộ NNPTNT với số lượng đóng mới tàu theo quy hoạch là 288 tàu có công suất từ 400CV trở lên.

“Căn cứ vào số lượng này, tỉnh sẽ triển khai khi Bộ NNPTNT chính thức phê duyệt, nhưng việc có đóng hết số lượng tàu theo quy hoạch hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của ngư dân đăng ký” - bà Thi nói.

Bà Thi cũng nêu rõ quan điểm: Nghị định 67 là chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, tỉnh cũng không có ý định nhập tàu cũ nên nếu có doanh nghiệp nhập tàu cũ về, chắc chắn ngư dân cũng không mặn mà. Hiện ngư dân được hỗ trợ vay vốn tới 90% thì chẳng tội gì phải dùng tàu cũ, đóng mới theo thiết kế của họ sẽ phù hợp với mục đích khai thác đánh bắt và đảm bảo an toàn trên biển.

Để “gỡ gạc” sau quyết định bác của Bộ NNPTNT, ngày 19.8 ông Trần Văn Trí – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thuỷ hải sản Trí Việt (Công ty Trí Việt) cho biết, dự kiến thứ 5 tuần này đại diện công ty sẽ làm việc trực tiếp với phía đối tác là Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để đàm phán phương án liên kết đầu tư.

“Có thể, phía đối tác sẽ tham gia đầu tư từ 50 – 70% vốn với điều kiện khai thác cá phải bán lại cho họ. Nếu được các cơ quan quản lý chấp thuận sẽ tiến hành tới bước giám định chất lượng tàu tại Hàn Quốc, chất lượng đảm bảo và được phê duyệt thì chúng tôi sẽ nhập khẩu 20 chiếc về ngay trong năm 2014” - ông Trí nói.

Nhập tàu phải căn cứ vào quy hoạch

Trước những thông tin một số doanh nghiệp vẫn quyết tâm phương án nhập khẩu tàu cũ, PGS - TS Võ Văn Trác - nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản cho rằng, nếu chất lượng tàu nhập khẩu theo đúng quy định hiện hành, doanh nghiệp phải có đề án cụ thể để chứng minh được phương án đầu tư nhập khẩu tàu cũ và hiệu quả kinh tế; phương án về hậu cần trên bờ và dưới nước; chứng minh được kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và đánh bắt thuỷ sản nhất là khai thác và đánh bắt xa bờ.

Đặc biệt, phải đào tạo được đội ngũ nhân lực khai thác, đánh bắt trên biển, bởi vấn đề con người được coi là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản… “Quy định tàu có tuổi sử dụng dưới 8 tuổi chỉ là điều kiện cần, doanh nghiệp muốn nhập khẩu tàu cũ phải có đề án cụ thể và các cơ quan Nhà nước sẽ căn cứ vào quy hoạch chung để phê duyệt” - ông Trác nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định trên, ông Trần Cao Mưu – Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, điều quan trọng là chất lượng tàu, vì thế trước khi đưa ra quyết định cho các doanh nghiệp nhập khẩu tàu cũ, cơ quan chức năng không những phải tiến hành giám định, mà còn phải khảo sát xem có đúng là tuổi của tàu sử dụng 8 năm hay không.

Từ đó, Bộ NNPTNT cũng phải đưa ra “cân đong đo đếm” xem việc nhập khẩu tàu cũ có lợi hơn so với đóng tàu mới hay không? Mục đích nhập về đề làm gì, đưa vào sử dụng khai thác hay lại bán lại cho ngư dân?

Hiện nay, ở Quy Nhơn (Bình Định) có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cá ngừ của Nhật Bản đang khai thác, đánh bắt rất hiệu quả. Cho nên theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Công ty Trí Việt nhập tàu về và đối tác Hàn Quốc đồng ý đầu tư liên kết thực hiện được theo dự án này cũng khả thi.

“Theo tôi, việc phê duyệt cho các công ty nhập khẩu tàu cũ phải căn cứ trên quy hoạch phê duyệt chung. Trước khi phê duyệt, cần xem xét tham khảo ý kiến các bộ, ngành, hội ngành nghề và của chính ngư dân không nên vội vàng”- ông Mưu nói.

   Ông  Đào Hồng Đức - Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết: “Dự kiến ngày 22.8 tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ chủ trì cuộc họp triển khai Nghị định 67 về chính sách phát triển thuỷ sản với các địa phương tại miền Trung. Trên cơ sở các ý kiến của các địa phương, Bộ NNPTNT sẽ đưa ra số lượng tàu đóng mới cụ thể theo quy hoạch, làm căn cứ để các địa phương thực hiện triển khai”.