Chúng tôi đã tìm đến tận nơi để xác minh lời đồn của những người dân. Đi sâu vào ruộng mía, trong một bụi cây rậm rạp, hòn đá đứng sừng sững cao hơn đầu người, bề rộng dưới chân hơn 1,5 m, trên đỉnh khoảng 80 cm. Hòn đá thuộc loại đá granit mầu nâu xám, nhám, có các hạt mốc đen mỏng bám vào, khắc chạm lạ kỳ, dường như mang những ý tưởng, thông điệp của người xưa mà thời nay chưa giải thích được.
Cả hai mặt bia đều có chữ. Mặt trước có 8 dòng chữ, mặt sau có 3 dòng, chữ cách chữ, dòng cách dòng đều đặn giống như một bản văn tự, được khắc chìm khá công phu trên 2 mặt của hòn đá.
Đại gia cũng quan tâm
Ông Thái cũng kể lại chuyện trước những lời đồn đại về kho báu nên một đại gia Phố Núi đã đến đây tìm kiếm và mang máy móc về đây định đưa tảng đá về đặt ở vườn nhà theo phong thủy, tuy nhiên người dân thôn Tư Lương phát hiện ra đã ngăn chặn kịp thời. Bởi với người dân nơi đây thì tuy nó không có giá trị gì về vật chất, nhưng lại là tài sản tinh thần quý giá và không ai được phép di chuyển nó đi.
Thời gian trôi qua, do điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường, những ký tự trên tảng đá đang mờ dần nhưng ý nghĩa của nó thì vẫn còn là điều bí ẩn, tạo sự hiếu kỳ cho mọi người. Chính vì điều đó, không ít người đã thêu dệt và cho nó là một huyền thoại.
Những đồn đại chung quanh phiến đá lạ này có báu vật tiếp tục lan truyền đi xa. Nhưng rồi, đào bới tung cả khu vực mà không tìm được gì nên mọi người đành buông xuôi tất cả, xem phiến đá là điều bí ẩn mang tính lịch sử và báu vật chưa lý giải của buôn làng.
Ông Thái cho biết, trên phiến đá bây giờ, các ký tự đã bị mờ đi khá nhiều và bị rêu phủ nhưng nếu sử dụng phương pháp khoa học chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao hơn trong xác định nội dung, ý nghĩa của văn bản. Tấm bia này đã thực sự thách thức thời gian nhiều trăm năm và nay bề mặt đã có một vài chỗ bị nứt và bể làm mất một vài ký tự. Và các kí tự bí ẩn ấy đang chờ đợi sự giải mã của con người hiện đại.
Trước đây cũng đã có nhiều nhà báo đến tìm hiểu, các nhà nghiên cứu của phòng và Sở văn hóa tỉnh Gia Lai cũng đã đến tìm hiểu, nhưng hiện nay vẫn chưa có lời giải đáp về những nét chạm khắc trên các hòn đá đó có ý nghĩa gì? Những nét chạm khắc đó đã được thực hiện bằng những dụng cụ nào? Thời điểm và những ai là tác giả thực hiện công việc đó?
Trao đổi với chúng tôi về việc người dân đổ xô đến đây tự “dịch” những văn tự trên hòn đá này, rồi hì hục đào bới tìm vận may, ông Phan Tấn Thanh, Bí thư đảng ủy xã Tân An khẳng định: “Đó chỉ là những lời đồn đại vô căn cứ của người dân từ nơi khác, kéo theo tính hiếu kỳ của mọi người rồi đồn đại lên thôi. Người dân ở đây ai cũng biết hòn đá đó chẳng phải là bản đồ kho báu gì. Trước đây cũng đã có các cán bộ văn hóa của tỉnh Gia Lai về đây tìm hiểu, có cả cán bộ ở Hà Nội về tìm hiểu nhưng vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Chính vì thế nên mọi người lại càng tin vào những điều hão huyền về kho báu ở đây. Nếu thực sự ở đây có kho báu thì người dân đã biết từ nửa thế kỷ trước chứ không phải đến bây giờ!”.
Thời gian trôi qua, những chữ viết trên tảng đá đang dần bị thiên nhiên bào mòn. Những người lớn tuổi đứng nhìn hòn đá mà suýt xoa, lắc đầu vì sự bí ẩn và cả sự xuống cấp của nó. Hòn đá lạ này xuất hiện vào thời gian nào người dân địa phương không ai rõ. Chỉ biết rằng, từ những người lần đầu đặt chân đến nơi này khai thiên, lập địa, đến mỗi người dân trong thôn Tư Lương khi lớn lên, đều đã thấy hòn đá này có rồi.
Nhiều người dân thôn Tư Lương khẳng định hòn đá này là báu vật mang giá trị văn hóa, tâm linh của thôn địa phương, đã được phát hiện từ nhiều thập kỷ qua. Những thông tin về kho báu chỉ là đồn thổi thiếu căn cứ, tuy nhiên những dòng chữ trên tảng đá thì rất cần được các nhà khoa học giải mã, vì rất có thể đây là một chứng tích văn hóa lịch sử chưa được tìm hiểu nhưng rất cần được bảo vệ, giữ gìn. Bởi với những người dân ở đây, đó dẫu sao vẫn là một tài sản quý báu của thôn, nên dù có phải đổi bằng tính mạng, họ cũng phải giữ cho được hòn đá ấy.