Với tổng mức đầu tư tổng cộng hơn 5.500 tỷ đồng, Dự án các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc; Dự án Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - Sài Gòn, giai đoạn I vay vốn ODA của Trung Quốc và Dự án Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh vay vốn ODA của Pháp… là 3 công trình trọng điểm của ngành đường sắt có mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, an toàn chạy tàu cho các tuyến vận tải trọng yếu.
Đến thời điểm này, Dự án Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới đạt hơn 39% khối lượng. Ảnh: Chí Cường.
Đây là công trình do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) làm chủ đầu tư; Ban Quản lý các dự án đường sắt quản lý được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư, trực tiếp điều hành với 2 yêu cầu chính: không để đội vốn và hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), việc triển khai 3 dự án trên đến thời điểm này là rất đáng quan ngại.
Đầy rẫy sai sót nghiêm trọng
Theo Kết luận kiểm tra số 9180/BGTVT ngày 29.7.2014, khiếm khuyết lớn nhất tại 3 công trình này được Bộ GTVT chỉ ra sau hơn 2 tháng tiến hành kiểm tra (từ ngày 19.5 đến 23.7.2014) là việc tiến độ triển khai thực hiện đều bị “lụt” rất sâu từ 4 đến 7 năm so với yêu cầu đề ra. Không chỉ để các dự án bị trễ tiến độ, chủ đầu tư cũng tỏ ra rất non tay trong công tác xây dựng, phê duyệt dự toán, khi giá trị của tổng mức đầu tư điều chỉnh tại các dự án vượt hơn 2.000 tỷ đồng so với nhu cầu thực tế.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong khi chờ các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những sai phạm liên quan việc đưa và nhận hối lộ của Công ty Tư vấn đường sắt Nhật Bản (JTC), Bộ GTVT vừa công bố một loạt sai sót của chủ đầu tư tại Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I.
Ngoài việc vi phạm thời gian lựa chọn nhà thầu, không đăng tải nội dung kế hoạch đấu thầu, danh sách theo quy định…, trong một số trường hợp, VNR còn lấn át quyền hạn của Ban Quản lý dự án. Cụ thể, dù đã ủy quyền cho Ban Quản lý các dự án đường sắt thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng cho các gói thầu tư vấn, song Tổng giám đốc VNR khi đó là ông Nguyễn Hữu Bằng vẫn trực tiếp ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn gói thầu HURC1- 001 với liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (JKT). Điều đáng nói là, phụ lục số 01 về việc bổ sung điều chỉnh hợp đồng HURC1 - 001 được ký năm 2013 lại do ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt ký.
“Cấp ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn HURC1 - 001 không thống nhất trong quá trình thực hiện Dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ.
Những lỗi quản lý sơ đẳng này đã không được bất kỳ cơ quan nào phát hiện cho đến khi vụ việc JTC bị phát lộ.
Được biết, trình độ quản lý dự án của Cục Đường sắt Việt Nam và đơn vị đại diện chủ đầu tư dưới quyền là Ban Quản lý dự án đường sắt cũng không hơn gì.
Hiện Dự án Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc dù đã có 5 năm triển khai trên thực địa, song tiến độ mà tổng thầu Trung Quốc đạt được hiện rất đáng quan ngại và có nguy cơ không thể đạt mốc tiến độ đã qua nhiều lần “căn chỉnh”: hoàn thành, đưa vào khai thác vào tháng 6.2015. Tính đến ngày 15.8.2014, Dự án này mới đạt 39,58% khối lượng, trong khi đã để tổng mức đầu tư vọt lên 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.
Một dự án lớn khác cũng do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư là xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sau 6 năm thi công mới chỉ đưa vào khai thác một đoạn ngắn, trong khi phần lớn đều dang dở do thiếu vốn, phân bố nguồn lực không hợp lý...
“Năng lực của hai chủ đầu tư rất yếu kém không đủ sức quản lý các dự án quy mô lớn là điều có thể nhận thấy. Nếu không được sự giám sát, điều hành trực tiếp của Bộ GTVT, nguy cơ vỡ tiến độ, vỡ vốn tại các dự án nói trên là rất cao”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam nhận xét.
“Xoay” lại vai chủ đầu tư
Sau khi phát hiện quá nhiều sai phạm nghiêm trọng tại các dự án trên, vào cuối tuần trước, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 3092/QĐ - BGTVT tước chức năng chủ đầu tư 18 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và ODA từ VNR, Cục Đường sắt Việt Nam.
“VNR sẽ chỉ còn tập trung vào chức năng kinh doanh và làm chủ đầu tư các dự án quy mô nhỏ được đầu tư bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Được biết, quyết định này được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Ban cán sự Đảng Bộ GTVT ra Nghị quyết số 25 - NQ/BCSĐ thống nhất chủ trương trực tiếp quản lý các dự án hạ tầng đường sắt sử dụng vốn vay ODA, thay vì để cho VNR và Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện.
Năm 2011, Bộ GTVT cũng đã phải kéo một loạt dự án, như Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, Quốc lộ 3 mới… và ban quản lý từ các cục quản lý chuyên ngành về lại Bộ này nhằm đẩy nhanh tiến độ. Cùng với việc định lại chức năng chủ đầu tư, Bộ GTVT cho biết, sẽ cơ cấu lại hai đơn vị đại diện chủ đầu tư các dự án theo hướng chuyển Ban Quản lý dự án đường sắt trực thuộc Cục Đường sắt Việt Nam về trực thuộc Bộ.
Số phận Ban Quản lý các dự án đường sắt trực thuộc VNR cũng đã được định đoạt, khi Bộ GTVT sẽ tiến hành sáp nhập đơn vị đang quản lý tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn I đầy tai tiếng này về Ban Quản lý dự án đường sắt trực thuộc Bộ.
Nếu quyết định này được triển khai, Bộ GTVT sẽ có một “siêu” ban quản lý với quy mô vốn quản lý lên tới 10 tỷ USD vốn vay ODA, trong số này có những dự án quy mô lớn, như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (ODA Trung Quốc;) đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 1, số 2, nâng cao an toàn cầu đường sắt (ODA Nhật Bản), nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai (ODA Pháp)…
Được biết, cả hai ban quản lý dự án đường sắt của VNR và Cục Đường sắt Việt Nam đều vừa trải qua một cuộc “dâu bể” lớn, khi những người đứng đầu đơn vị này đều đã bị bắt tạm giam do dính líu tới vụ án đưa và nhận hối lộ của tư vấn JTC Nhật Bản tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I.
Trước đó, để dọn đường cho việc tái cơ cấu các dự án, ngay từ đầu tháng 8.2014, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển giao toàn bộ phần vốn ngân sách xây dựng cơ bản hàng năm cho VNR về cho Bộ GTVT, kể từ năm 2015.
“Bộ GTVT sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch vốn cho các dự án đường sắt trong kế hoạch vốn hàng năm của Bộ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Để không làm xáo trộn các dự án, Bộ GTVT cho phép các ban quản lý dự án tiếp tục quản lý số dự án đang thực hiện, đồng thời giao cho Vụ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, giải quyết các thủ tục với các nhà tài trợ vốn ODA về việc chuyển chủ đầu tư.