Lấy giống từ Thái Lan, ông trồng 600 gốc thanh long ruột đỏ, và là người đầu tiên trồng loại giống này trên địa bàn tỉnh, đồng thời trồng mới 5ha rừng với 10 vạn cây tràm, 500 cây huê.
Ông Hiệp tự tin: “Trồng thanh long khoảng 1 năm cây bắt đầu cho trái, mỗi đợt từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 2 tháng”. Ông lưu ý, cần xử lý cho thanh long ra hoa và đậu trái theo khả năng của cây, nếu để quá nhiều trái làm cây mất dinh dưỡng, chất lượng trái không cao.
Thường xuyên cắt tỉa bỏ những nhánh thanh long già để tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe mạnh. Thanh long ruột đỏ thường mắc bệnh thán thư vào mùa mưa, do đó cần theo dõi để phun thuốc phòng ngừa. Làm đúng quy trình kỹ thuật, thanh long ruột đỏ sẽ thật sự có chỗ đứng trên vùng rú cát Quảng Điền và nhiều vùng cát ở Thừa Thiên - Huế.
600 gốc thanh long hiện có trên diện tích chưa đầy 1ha đem về cho ông 200 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định 2,5 triệu đồng/ người/tháng. Vào thời vụ, trang trại của ông thu hút 10 lao động địa phương.
Ngoài trồng thanh long ruột đỏ ra, ông còn nhân giống và bán, giá 1.500/gốc. Ông Hiệp chia sẻ: “Thanh long ruột đỏ dễ trồng, dễ chăm sóc, mau cho thu hoạch nên có thể giúp ND thoát nghèo nhanh chóng”. Hiện, mỗi năm thanh long ruột đỏ đem về cho gia đình ông 200 triệu đồng.
Ông Hiệp cho biết, sắp tới ông sẽ cung cấp 4.000 gốc giống thanh long ruột đỏ cho một công ty với giá 1.500 đồng/gốc.