Dân Việt

Thời khắc trọng đại vua thoái vị: Hạ cờ vàng, treo cờ đỏ tại kinh thành Huế 1945

Nguyễn Hữu Hiệp 01/09/2014 09:30 GMT+7
Chiều tối 22.8.1945, có mấy người Việt Minh leo lên kỳ đài hạ cờ vàng của nhà vua xuống và treo cờ đỏ sao vàng lên. Đại nội đại thần Nguyễn Duy Quang ra cản không được, nên hôm sau vua Bảo Đại nhờ ông Phạm Khắc Hoè (lúc ấy là Ngự tiền Văn phòng tổng lý của nhà vua) đi tìm người đại diện Việt Minh để dàn xếp...
Tháng 3.1945 phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp cướp lấy quyền thống trị Đông Dương. Các chiến sĩ cách mạng ở Huế chủ trương lấy đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh làm sức mạnh, đạp đổ kẻ thù giành lại chủ quyền. Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Tố Hữu. Uỷ ban quyết định lấy ngày 23.8.1945 huy động toàn dân trong tỉnh và thành phố làm cuộc tổng biểu tình vũ trang giành chính quyền tại Huế.
img Cầu Trường Tiền, thành phố Huế ngày nay.

Ngày 21.8 các đội tự vệ và các đoàn thể cứu quốc, với vũ khí thô sơ, băng cờ, biểu ngữ bắt đầu kéo đi biểu tình thị uy khắp phố phường nội thành. Lá cờ đỏ sao vàng to lớn lần đầu tiên xuất hiện, tung bay kiêu hãnh trên nóc hiệu thuốc tây “Em be” ở đầu cầu Trường Tiền, làm nức lòng người dân xứ Huế.

Chiều tối 22.8.1945 do có mấy người Việt Minh leo lên kỳ đài hạ cờ vàng của nhà vua xuống và treo cờ đỏ sao vàng lên. Đại nội đại thần Nguyễn Duy Quang ra cản không được, nên hôm sau vua Bảo Đại nhờ ông Phạm Khắc Hoè (lúc ấy là Ngự tiền Văn phòng tổng lý của nhà vua, nhưng sớm hưởng ứng cách mạng) đi tìm người đại diện Việt Minh để dàn xếp về việc hạ cờ vàng, kéo cờ đỏ lên sao cho có nghi thức vì đây là sự kiện lịch sử rất thiêng liêng, trọng đại.

Đêm 22.8.1945 đúng là đêm giao thừa của một kỷ nguyên mới trong lịch sử Huế: từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng tràn đầy khí thế của một ngày hội cách mạng đang đến rất gần.

img Kỳ đài (kinh thành Huế, còn gọi là Cột cờ Cố đô Huế) là di tích kiến trúc từ thời nhà Nguyễn nằm chính giữa mặt Nam của kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh, cũng là nơi treo cờ của triều đình dưới thời phong kiến thuộc địa.
Sau khi hai bên thương thảo, nhà vua vui vẻ thoái vị, còn phía Chính phủ cũng tán thành đề nghị của nhà vua là, trước lúc làm lễ thoái vị sẽ cho kéo cờ vàng lên kỳ đài một lần cuối cùng, rồi lúc tuyên bố thoái vị xong thì sẽ hạ cờ vàng xuống, kéo cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên.

Trưa ngày 30.8.1945 cờ vàng nhà vua được kéo lên lại trên kỳ đài. Hàng vạn đồng bào tập hợp trước Ngọ Môn, đứng chật cả bãi cỏ. Đúng 16 giờ xe phái đoàn đại diện Chính phủ cách mạng cắm cờ đỏ sao vàng tiến thẳng vào cửa chính của Ngọ Môn giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn 5 vạn đồng bào Huế. Buổi lễ bắt đầu.

Theo lời ghi kể của ông Phạm Khắc Hoè thì, trước hết ông Trần Huy Liệu nói cho đồng bào rõ ý nghĩa của việc phái đoàn thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, và đọc cho đồng bào nghe bức điện mới nhận được từ  Hà Nội đánh vào cho biết Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt quốc dân tại Thủ đô Hà Nội vào ngày mùng 2 tháng 9, và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ông cũng đọc cho đồng bào nghe danh sách Chính phủ lâm thời.

Sau những tiếng vỗ tay và hô khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm!” vang dội. Khi Bảo Đại đọc tờ chiếu thoái vị vừa xong thì ngay sau đó lá cờ quẻ ly bị lôi tuột xuống.

Ngọn cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa những tiếng vỗ tay hoan hô như sấm, cắt ngang bởi 21 phát súng mừng vang lên. Tiếp theo là lễ chào quốc kỳ của một Tổ quốc hồi sinh. Dịp này, theo đề nghị của Bảo Đại, ông được đại diện Đại biểu chính phủ cài tặng lên ngực áo một huy hiệu cờ đỏ sao vàng, xem như Vĩnh Thụy (Bảo Đại) trở thành công dân của nước Việt Nam mới…

Ta nghe lại bài thơ “Huế tháng Tám” của Tố Hữu:

    Chừ đây Huế, Huế ơi, xiềng gông xưa đã gãy

    Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

    (…) Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố

    Cuốn tung lên cờ đỏ máu thêm tươi

    Vàng vàng bay, đẹp quá sao sao ơi!