Thủ tướng Anh cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước vụ sát hại "tàn nhẫn và man rợ" nhà báo Foley, đồng thời cho biết chưa xác định được danh tính của đối tượng trong đoạn video của IS.
Kẻ hành quyết nói tiếng Anh với giọng Anh, tự nhận là một thành viên IS và nói nhà báo Foley phải chết để trả giá cho những vụ tấn công của Mỹ vào IS ở Iraq. Ông Cameron cho biết hiện “quá nhiều” các công dân Anh đã sang Syria và Iraq để tham gia cuộc chiến ở đó. Ước tính trong lực lượng IS có khoảng 400 tay súng quốc tịch Anh.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng tuyên bố Cơ quan tình báo Anh sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ để lùng tìm thành viên IS trong đoạn video và một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố đã được triển khai điều tra.
Thủ tướng Cameron đã loại bỏ khả năng điều binh sĩ đến Iraq và chỉ dừng ở mức cung cấp hàng viện trợ cho lực lượng người Kurd chiến đấu chống IS và sử dụng máy bay do thám.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama nói ông bị sốc trước thông tin kẻ thủ ác có thể là một người Anh. Trong khi cả thế giới lên án hành động man rợ đối với nhà báo Foley, nhiều người cho rằng, sẽ còn có thêm những tội ác tương tự, nếu Mỹ không quyết liệt hơn.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh vẫn chưa có thời gian biểu cho hành động can thiệp quân sự và cuộc khủng hoảng chính trị ở Baghdad vẫn tiếp diễn, có khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bị sa lầy ở Iraq trong thời gian dài.
Hơn 2 năm sau khi chứng kiến quân đội Mỹ rút quân khỏi Iraq, ông Obama đã ra lệnh không kích nhóm thánh chiến tại đây, hứa hẹn rằng Mỹ sẽ không bị kéo vào cuộc chiến trên bộ. Với cam kết sẽ hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực ở Baghdad, ông nói rằng Mỹ sẵn sàng hậu thuẫn lực lượng của người Kurd và Chính phủ mới của Iraq "đấu tranh chống lại các phần tử khủng bố".
Tuy nhiên, nhiều nhân vật trong Đảng Cộng hòa đã chỉ trích cách tiếp cận này và cho rằng, cần phải tấn công nhanh hơn và quyết liệt hơn để ngăn chặn bước tiến nhanh chóng của các phần tử thánh chiến dòng Sunni của IS.