Dân Việt

Trương Định- người anh hùng bất khuất, huơ gươm chém bay nón lính mã tà

Nguyễn Hữu Hiệp 23/08/2014 07:00 GMT+7
Tháng 2.1859 Pháp đánh chiếm Gia Định. Ngay sau đó, quân đồn điền của Phó lãnh binh Trương Định tổ chức phản công, nhưng không lấy lại được thành, bèn đào hào đắp lũy bao vây, và áp dụng du kích chiến, ngày đêm tìm diệt kẻ thù.

“Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta; Hoàng đế gọi chúng ta là phiến loạn, nhưng bên sâu Hoàng đế khen thầm  sự trung hậu của chúng ta; và tới ngày thắng trận, Hoàng đế sẽ không những xóa lỗi mà còn thăng thưởng chúng ta nữa. Các người có dõng lực nhưng ít người; mỗi ngày vài người lính của các người ngã quỵ dưới sự phục kích của chúng ta; bệnh rét cũng ở một bên ta để chiến đấu chống các người, và nó bù lại sự khiếm khuyết võ khí của chúng ta. Chúng ta ở xứ ta, chúng ta được lợi hơn các người…”.

Thế là nhiều cuộc chạm trán liên tục diễn ra. Quân du kích tuy hùng hậu, ý chí chiến đấu cao, nhưng vì vũ khí thô sơ nên phải gian nan, gan dạ mới gây được tổn thất tương đối đối với địch. Tuy nhiên qua các trận đánh đồn Rạch Tra, hạ sát được tên đại úy Thourouds, và tấn công, bức rút một số đồn Pháp ở Gò Công, Chợ Gạo, Gia Thạnh, Cái Bè…, quan Pháp không thể không kinh hoàng.

Do đó bọn chúng, một mặt xin thêm viện binh từ Pháp, một mặt hợp đồng với đồng bọn đang đóng tại Trung Hoa hết lòng hết sức trợ lực để tổ chức một cuộc hành quân đại quy mô.

img

Trương Định.

Ngày 25.2.1863 chúng đổ quân tràn ngập mật cứ Tân Hòa (Gò Công). Quân du kích kịp thời né tránh nên chỉ thiệt hại nhẹ. Ngay  sau khi thua trận, Trương Định củng cố binh lực và truyền hịch kêu  gọi chiến sĩ – nhân dân vững vàng ý chí chiến đấu, quyết một mất một còn với quân thù xâm lược.

Ngày 25.9.1863 tướng De la Grandière xua quân đánh úp mật cứ mới của nghĩa quân ở cù lao Lý Nhơn. Trương Định lại một lần nữa thoát khỏi lưới giặc sau khi đã huơ gươm chém bay nón một tên lính mã tà khi tên này mới vừa níu được vai ông.

img

Đền thờ và mộ anh hùng dân tộc Trương Định.

Tình hình tạm lắng dịu được gần một năm thì đêm 19 rạng 20.8.1864 chúng bất thần tấn công “Đám lá tối trời” thuộc xã Gia Thuận, Gò Công. Tại đây, theo Nguyễn Thông trong Độn am văn tập: “Kẻ gươm người súng xông ra hỗn chiến. Mấy anh em sát hại địch quân đến mấy chục mạng. Tới khi ai cũng bị đạn, không thể chiến đấu, ông (Trương Định) rút gươm tự vẫn, rồi anh em cùng chết theo! Đứng trước cái chết oanh liệt ấy, viên chỉ huy quân Pháp cũng phải kiinh ngạc và đem lòng kính trọng, ra lệnh cho quân sĩ mai táng hẳn hoi”.

Mộ và đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định tọa lạc tại Gò Công, quanh năm khói hương không dứt. Ngoài ra nhân dân còn xây dựng một đền thờ ông nữa ở Gia Thuận là nơi ông đã anh dũng hy sinh, cũng rất tôn nghiêm hoành tráng.

Sáng 20.8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viếng, dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định tại thị xã Gò Công và đền thờ nơi ông tuẫn tiết ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) nhân kỷ niệm 150 năm ngày Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 - 20-8-2014).

img

Tuyên ngôn của Trương Định.

Và, trong chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” của tạp chí Xưa Và Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, dòng họ Trương Việt Nam đã đóng góp kinh phí đúc hai bức tượng bán thân vị Anh hùng Trương Định, cung tiến tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Tiền Giang.