Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 20/8 đã kịch liệt chỉ trích những biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, gọi hành động của các chính trị gia EU là "thiển cận". Theo ông Fico, mặc dù là quốc gia thành viên EU và luôn mong muốn thể hiện tình đoàn kết với các nước khác, song Slovakia không muốn có những "bước đi mù quáng".
Người đứng đầu Chính phủ Slovakia đặc biệt bất bình với biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng "con" của ngân hàng Nga Cberbank tại Slovakia, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn lao động nước này.
Nông dân châu Âu đang ở trong cảnh điêu đứng. Ảnh: presstv.ir
Tại Hy Lạp, các liên đoàn vận tải đã yêu cầu chính phủ và EU ngay lập tức bồi thường thiệt hại cho các công ty chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm của Nga nhằm tránh nguy cơ phá sản. Ước tính các công ty vận tải Hy Lạp sẽ thiệt hại 10 triệu euro/năm do lệnh cấm này.
Đảng Cộng sản Hy Lạp cũng kêu gọi các chủ nông trại yêu cầu chính phủ nước này không tham gia hành động của EU trừng phạt Nga. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thiệt hại mỗi năm chỉ riêng trong ngành sản xuất rau quả Hy Lạp do lệnh cấm nhập khẩu của Nga có thể lên tới 180 triệu euro. Hiện, Hy Lạp đang dư thừa tới 55.000 tấn đào do không được tiêu thụ ở thị trường Nga.
Trong lúc này, người trồng rau Pháp cho rằng mức hỗ trợ mà chính phủ và EU cam kết là không đủ để bù đắp những thiệt hại mà họ phải hứng chịu do lệnh cấm nhập nông sản của Nga. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp quốc gia Pháp (FNSEA), lệnh cấm của Nga chủ yếu nhằm vào các sản phẩm nhanh hỏng như rau củ quả, mà gói hỗ trợ 125 triệu euro từ Ủy ban châu Âu (EC) cho các nhà máy, cũng như các bên liên quan là chưa đủ.
Theo các nhà sản xuất, mặc dù việc huy động các nguồn lực và quyết định của EC được đưa ra nhanh chóng, nhưng ngân sách nông nghiệp không thể là nguồn hỗ trợ duy nhất trong điều kiện khủng hoảng hiện nay.
Chính phủ Latvia cũng quyết định chi 13 triệu euro để bù đắp thiệt hại cho các nhà sản xuất sữa trong nước bị ảnh hưởng do lệnh cấm nhập khẩu của Nga. Tuy nhiên, việc giải ngân sẽ chỉ được tiến hành vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Hà Lan ING cho biết việc Nga từ chối nhập các loại trái cây và rau quả ở châu Âu sẽ khiến EU thiệt hại khoảng 6,7 tỷ euro và còn làm 130.000 người ở EU thất nghiệp. Theo phân tích của ngân hàng, về tài chính, thiệt hại lớn nhất là Đức với khoảng 1,3 tỷ euro.
Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh nhất ở Ba Lan, tác động đến khoảng 23.000 việc làm. Nhìn chung, việc giảm thương mại với Nga ảnh hưởng nặng nhất tại các nước Baltic: Litva có thể mất 0,4 % tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Estonia - 0,35% và Latvia là 0,2% ngay trong năm 2014.
Theo Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Anders Borg, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tin vào tương lai của các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, trước hết là Đức, Pháp, Italy.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Nga khẳng định kể từ thời điểm áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu nông sản từ các nước phương Tây, giá những mặt hàng này tại Nga hầu như không tăng. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov, tại thủ đô Moskva, trong vài ngày qua, giá bơ có tăng 1%, sữa tăng 0,5%, tuy nhiên, nguyên nhân là do đầu cơ.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nga cũng cho biết Chính phủ đã thành lập các ủy ban chuyên trách tại tất cả các cơ quan có chức năng kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý những trường hợp cố tình tăng giá để đầu cơ.