Với công lao đóng góp của mình, Lê Đại Cang được chính sử triều Nguyễn-Đại Nam thực lục ghi chép đầy đủ trong 6 tập với số trang rất lớn: “Đại Cang nổi tiếng văn học. Gia Long năm đầu (1802) dự tuyển, được chọn làm huyện doãn Tuy Viễn. Năm Minh Mịnh thứ 2 làm quan đến chức Hiệp trấn Sơn Tây. Dần dần được trao chức Tổng đốc liên tỉnh An Giang-Hà Tiên. Năm Minh Mệnh 14 (1833), ông không giữ được thành nên bị cách chức cho làm lính đánh trận lập công. Gặp lúc giặc Xiêm kéo tới xâm lấn, vua nước Phiên (Chân Lập) bỏ kinh đô trốn chạy sang ta. Đại Cang kéo binh tiếp viện, đẩy lùi quân giặc. Nhờ chiến công này, ông được thăng chức Bố chánh sứ An Giang, rồi chức Trấn Tây Tham tán Đại thần, kính lý mọi việc trong nước Phiên….
Ông cũng có công lao trong việc khai mở sông đào Vĩnh Điện tại Quảng Nam năm 1824; công lao trong việc giữ đê sông Hồng từ năm 1828-1830; Khai mở kênh Vĩnh An nối Tiền Giang, Hậu Giang và An Giang năm 1833…
Cháu ngoại ông là Tú tài Trần Văn Huệ viết về ông: “Ông Lê Đại Cang tính nghiêm cẩn, làm việc gì cũng trong vòng lễ pháp. Ấy thế mà là người hào hoa, nơi ở thường bày bút mực, tranh, sách, đàn, rượu, hoa lá, cây cảnh. Lấy đó tự thích thú…”
Lăng mộ Lê Đại Cang và người cháu đời thứ 6 - ông Lê Thanh Độ.
Trong Lê thị gia phả do chính ông soạn năm 1836 cũng có đoạn nói về bản thân mình: “Ta sinh bình là người lịch thiệp, chưa từng trải qua những nỗi gian nan nguy hiểm như vừa rồi, nhưng trách nhiệm gìn giữ biên cương là nặng. Trước đây để mất góc đằng Đông thành An Giang thì lỗi ấy xét chẳng nhẹ. Khi đạo thánh sáng suốt đưa đến, cách chức ta nhưng cho lãnh binh dõng, ra trận phải đi trước để lập công chuộc tội, ta tuân chỉ…”.
Năm 1841, ông được phục chức làm Bố chính Hà Nội, rồi về hưu. Ông còn là nhà văn nổi tiếng với các bộ sách: Nam hành, Tục Nam hành, Tĩnh ngu thi tập. Cuối đời ông lập Giác am, đi tu lấy tên Giác Am cư sĩ. Mùa thu năm 1847, ông mất, thọ 76 tuổi.
Tổ tiên ông gốc ở Nghệ An. Thủy tổ là Lê Công Triều, một người từng làm quan hiển hách ở triều Lê. Chú ruột ông là Lê Công Miễn (1739-1800) là thầy học của hai vua Thái Đức và Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, quan đến Thượng thư Bộ Hình triều Cảnh Thịnh. Lăng mộ của hai ông Lê Công Triều và Lê Đại Cang là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Tại Hội thảo “Lê Đại Cang-tấm gương kẻ sĩ”, GS Vũ Khiêu viết: Lê Đại Cang là sự kết tinh hào khí linh thiêng và tính chất kiên cường của núi sông và con người Bình Định, vùng địa linh nhân kiệt nổi tiếng của đất nước.
Nhân dịp về thăm hai di tích này tại thôn Luận Chánh mới cảm nhận được công đức to lớn của người xưa. Chỉ một điều làm tôi lo lắng đó là tấm bia tại di tích mộ Lê Đại Cang bằng đá trắng, chạm trổ rất đẹp, nhưng do thời gian, rồi các nhà dân xung quanh làm nhà ở, nên tấm bia ghi công đức của tiền nhân bị lọt vào khu vực vệ sinh sau nhà các hộ dân. Mong sao gia đình, và các cơ quan chức năng liên quan có giải pháp bảo vệ khu di tích xứng đáng với công đức của bậc quốc sĩ Lê Đại Cang.
(Bài viết tham khảo sách “Tấc lòng” của Đặng Quí Địch) và Lê Đại Cang nhân cách bậc quốc sĩ)