Dân Việt

Vụ “200 triệu đồng lấy được bằng Tiến sĩ y khoa”:Nghi ngờ bản kết luận sơ bộ

Thọ Phước 24/08/2014 07:00 GMT+7
Sáng 22.8, Tổ Công tác của ĐH Thái Nguyên xác minh thông tin tiêu cực liên quan tới PGS-TS Đàm Khải Hoàn đã đưa ra kết luận sơ bộ về vụ việc. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở để nghi ngờ tính khách quan của bản kết luận này.

PGS Hoàn gửi lời xin lỗi

Thay mặt tổ công tác, ông Đặng Kim Vui - Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Tổ trưởng Tổ công tác đã thông báo kết luận sơ bộ về kết quả xác minh thông tin về vụ việc. Theo đó, Tổ công tác cho rằng ông Đàm Khải Hoàn đã nhận thức được khuyết điểm, sai lầm do phát ngôn không đúng về quy định và quy trình đào tạo tiến sĩ của nhà trường và Đại học Thái Nguyên; ông Đàm Khải Hoàn đã có lời xin lỗi đến cán bộ, viên chức nhà trường và Đại học Thái Nguyên."Vụ việc diễn ra (trong video) mới chỉ là phản ánh trao đổi giữa ông Đàm Khải Hoàn và phóng viên nhập vai, Tổ công tác chưa thu thập được bằng chứng cụ thể nào của học viên, nghiên cứu sinh được ông Đàm Khải Hoàn giúp đỡ theo cách mà bài báo nêu" – bản kết luận nêu.

Ngoài ra, Tổ công tác cũng nhận định, vụ việc được báo chí đăng tải là do phóng viên của cơ quan báo chí tiến hành ghi âm, ghi hình (Tổ công tác chưa được biết video này) nên đoàn công tác phải tiến hành động viên những người cùng làm việc, giảng dạy, học tập, nghiên cứu với ông Đàm Khải Hoàn trong thời gian dài để phát hiện xem có phản ánh nào về hành vi, biểu hiện về phát ngôn mang tính tiêu cực như báo chí đã nêu. Trong thời gian này, đoàn công tác cũng đã thông báo với các cá nhân trong cuộc họp muốn được bí mật phản ánh riêng với Tổ công tác thông tin liên quan đến phát ngôn, hành vi tiêu cực của ông Đàm Khải Hoàn thì được Tổ công tác đảm bảo bí mật. Trong thời gian đoàn công tác làm việc, không nhận được ý kiến nào phản ánh về vấn đề trên.

Kết quả thanh tra có khách quan?

Ngay sau khi bản kết luận sơ bộ này được công bố, các phóng viên tham gia cuộc họp bắt đầu đưa ra những thắc mắc, chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan tới các biện pháp xử lý tiếp theo của Đại học Thái Nguyên đối với PGS Đàm Khải Hoàn. Ông Đặng Kim Vui cho biết sẽ quyết định các biện pháp thu thập, kiểm chứng thông tin sau khi có ý kiến tư vấn từ các chuyên gia. “Quan điểm là không bao che sai phạm của bất cứ ai”- ông Vui khẳng định.

Trả lời câu hỏi của PV báo Tuổi Trẻ: “Việc xác minh thông tin về những sai phạm của ông Đàm Khải Hoàn đều do các thành viên của Đại học Thái Nguyên, Đại học Y Dược Thái Nguyên đảm nhiệm, như vậy, việc xác minh có khách quan?”, ông Đặng Kim Vui trả lời: Do có chỉ đạo từ Bộ GDĐT nên chúng tôi mới thành lập Tổ công tác bao gồm các thành phần như trên. Ngoài ra, chúng tôi cũng thể hiện quan điểm không bao che khi Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã ra nghị quyết chỉ đạo việc xử lý thông tin phản ánh của báo chí về vụ việc liên quan tới ông Hoàn trên tinh thần không bao che.

PV báo NTNN nêu quan điểm: Trong bản kết luận sơ bộ, Tổ công tác có nêu cá nhân trong cuộc họp muốn được bí mật phản ánh riêng với tổ công tác thông tin liên quan đến phát ngôn, hành vi tiêu cực của ông Đàm Khải Hoàn thì sẽ được Tổ công tác đảm bảo bí mật. Tuy nhiên, trong thời gian đoàn công tác làm việc, không nhận được ý kiến nào phản ánh về vấn đề trên. Nhưng trên thực tế, việc thông báo này được thực hiện ra sao tới các thành viên tổ công tác và liệu có kênh nhận thông tin nào khác được Tổ công tác đưa ra để người muốn tố cáo (nếu có) có thể thực hiện việc tố cáo bí mật?

Câu hỏi không nhận được câu trả lời ngay, tuy nhiên, vào buổi trưa cùng ngày, PV nhận được điện thoại từ một thành viên trong Tổ công tác trao đổi rằng: Việc thăm dò ý kiến theo dạng tố cáo kín chưa được tiến hành. Tuy nhiên việc này sẽ sớm triển khai sau. Như vậy, không thể nói việc Tổ công tác đã thông báo nội dung này tới cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Đại học Y Dược Thái Nguyên như trong bản kết luận sơ bộ.

  Từ xưa tới nay, đã có bao nhiêu trường hợp hối lộ, đút lót, tiêu cực bị bắt quả tang? Rất ít. Vì rằng, người đưa hối lộ cũng phạm tội hình sự. Người đút lót vì mưu cầu riêng cũng sai phạm. Và cực chẳng đã người bị bức tới đường cùng mới làm đơn tố cáo. Nhưng bằng chứng đâu? Có bằng chứng thì phạm tội. Mà không có bằng chứng thì… chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này cũng tương tự: Chưa thu thập được bằng chứng cụ thể ông Hoàn tiêu cực như bài báo đã nêu. Vậy đến bao giờ mới hết tiêu cực?

Làm thế nào để  giảm tiến sĩ rởm?

Việc Báo NTNN phanh phui quy trình mua bán bằng tiến sĩ y khoa của PGS-TS Đàm Khải Hoàn đã làm dư luận xôn xao. Thực ra việc “bán” cho những người háo danh tấm bằng tiến sĩ rởm, việc thương mại hóa tương tự, đã là căn bệnh nhức nhối từ lâu ở Việt Nam. Việc báo chí đưa công khai những vụ như vậy là điều tốt, làm dư luận biết rõ hơn về những căn bệnh ung nhọt của xã hội này.  

Ít người kiến nghị những giải pháp đơn giản, dễ làm và hiệu quả để làm giảm tình trạng nhức nhối này. Một giải pháp đơn giản là công khai, minh bạch. 

Nên có quy định buộc những người khi tự giới thiệu mình là giáo sư, tiến sĩ (ở bất cứ đâu, trên báo chí, trên danh thiếp, trên mọi văn bản) phải nêu rõ: Giáo sư ngành gì, ở trường nào (Havard, Y Dược Thái Nguyên...); tiến sĩ gì (y khoa, tin học, Mác-Lênin...) do trường nào cấp. Chỉ cần 1 quy định (hay cách nào đó biến việc này thành tập quán, thí dụ thông qua quy định của giới học giả, chứ chưa hẳn là quy định của Nhà nước) đơn giản như vậy sẽ làm giảm đáng kể nạn bằng rởm. Nói cách khác không tạo cơ hội cho bất cứ ai dung khái niệm tiến sĩ hay giáo sư một cách tù mù như hiện nay. Và sự tù mù này là do các cơ quan nhà nước (Bộ GDĐT, Hội đồng giáo sư) gây ra.

Với việc làm của ông Hoàn, chắc chắn uy tín của bằng tiến sĩ do Đại học Thái Nguyên cấp sẽ bị tổn hại rất lớn. Đấy là hình phạt khủng khiếp với một đại học và nó sẽ phải tự lo để bảo vệ uy tín c ủa mình. Công khai các nghiên cứu sinh của ông Hoàn chắc hẳn cũng làm cho nhiều tiến sĩ như vậy phải cân nhắc khi trương danh tiến sĩ của mình.
Để giảm bớt tình trạng trên, ngoài cần bớt sự can thiệp của Bộ vào công việc của các đại học (ngay cả trong việc đào tạo tiến sĩ); hãy để cho hiệp hội các đại học lo (ít nhất 70% công việc của Bộ đang ôm) cho chính họ.  Ngoài ra, có thể công khai minh bạch thêm nữa. Lập một trang thông tin về tất cả các luận văn tiến sĩ (tra cứu dễ dàng về tác giả, đề tài, tên người hướng dẫn, tên những người tham gia hội đồng, ý kiến của từng người và điểm số mà họ chấm...). Bất cứ ai đều có thể tiếp cận những thông tin này. Tôi nghĩ chỉ cần 2 gợi ý nhỏ về công khai, minh bạch chắc có lẽ làm giảm được 70% bằng tiến sĩ rởm. 

 TS. Nguyễn Quang A