Phân bổ đóng mới 2.079 tàu
Tham dự hội nghị diễn ra ngày 22.8, các đại biểu khẳng định Nghị định số 67 ra đời, với các chính sách căn cơ hơn để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ, cũng như dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ, định hình phương thức đánh bắt mới hiện đại, nâng cao giá trị thủy sản. Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67 là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.
Đến nay, Bộ NNPTNT đã phân bổ 2.079 tàu khai thác, 205 tàu dịch vụ hậu cần cho 28 tỉnh, thành ven biển. Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị băn khoăn với số lượng tàu, đồng thời, đề nghị Trung ương không nên đưa ra các tiêu chí quá cụ thể, bởi hiện nay có nhiều vùng biển, mỗi vùng biển lại có nhiều nghề khác nhau. Ngoài ra, Nhà nước cần cho vay theo Nghị định 67 để ngư dân trả nợ việc đã đóng tàu vỏ sắt trước đây. Bởi hiện nay số tàu vỏ sắt đã đóng khi nghị định này chưa ra đời cũng rất nhiều... Trả lời các thắc mắc trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Nghị định 67 không thể cho ngư dân vay để trả nợ việc đóng tàu sắt trước đây vì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu nâng cấp, đóng tàu mới theo khoản ngân sách đã được Nhà nước phê duyệt. Trước băn khoăn khi địa phương đã phê duyệt đối tượng ưu đãi đóng tàu cá nhưng ngân hàng thương mại không đồng ý thì phải giải quyết vấn đề này thế nào, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Khi xét duyệt đối tượng, các địa phương cần tham khảo ý kiến của chi nhánh NHNN. Sau đó chi nhánh NHNN sẽ có chỉ đạo tới từng ngân hàng thương mại tiếp cận với người vay và cho vay.
Không đóng mới ồ ạt
Ngư dân Bùi Thanh Ninh, chủ đoàn tàu cá 10 chiếc tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết việc đóng tàu cá vỏ thép tuy chậm nhưng rất cần thiết với ngư dân. Bên cạnh hỗ trợ cho vay đóng tàu khai thác, Nhà nước cần có các hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng dịch vụ hầu cần nghề cá, đặc biệt đào tào nghề cho ngư dân, tổ chức đội tàu thu mua trên biển. “Lực lượng lao động biển hiện nay đang thiếu trầm trọng. Nếu Nghị định 67 ra này, đóng tàu ồ ạt ra nữa thì càng thiếu nữa. Hơn nữa, làm 1 tháng mà không có tàu hậu cần chuyển vô, để hàng 1 tháng là cá sẽ hư hỏng nên mình mới cần tàu hậu cần” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói. Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cũng bổ sung: Không tăng vô hạn tàu đánh bắt xa bờ và không phải nghề đánh bắt xa bờ nào cũng đẩy mạnh phát triển vì phải đảm bảo phù hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phù hợp với quy hoạch phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ. Bộ NNPTNT chỉ đề nghị tăng lượng đánh bắt ở 5 nghề: Câu, vây, rê, chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện sản lượng đánh bắt thủy sản theo quy định là là 2,2 triệu tấn/năm, trong đó đánh bắt gần bờ là 0,8 triệu tấn, còn đánh bắt xa bờ là 1,4 triệu tấn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định mục tiêu của Nghị định 67 nhằm nâng cao đời sống ngư dân, qua đó kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì thế, Chính phủ có nhiều chính sách để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân. Đối tượng trực tiếp là những người ngư dân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quy hoạch của cả ngành thủy sản, tùy vào nguồn lợi từng vùng biển để suy ra cần điều tiết bao nhiêu tàu, tránh dự thừa để không mất tính hiệu quả. “Nghị định cũng đã nêu đó phải là ngư dân đang hoạt động hiệu quả, phải có năng lực tài chính phải dần dần hoạt động theo mô hình liên kết, tổ đội sản xuất... Giao cho địa phương giám sát, thực hiện, làm hiệu quả thì mới mở rộng ra chứ không đóng mới, thực hiện ồ ạt”- Phó Thủ tướng khẳng định.