Dân Việt

“Nỗi nhức nhối Đồng Xuân”

Anh Đào 24/08/2014 07:14 GMT+7
 “Nỗi nhức nhối Đồng Xuân” hôm nay cho thấy một sự thật: Nếu tràn ngập các chợ đầu mối là hàng Trung Quốc thì có nghĩa là hàng Trung Quốc cũng tràn ngập nông thôn, nơi mà đời sống và thu nhập của hơn 2/3 dân số chỉ đủ cho những hàng hóa tiêu dùng “rẻ và đẹp”.

 Một câu chuyện như đùa vừa xảy ra: Không ít tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội) lao đao vì cái giàn khoan Hải Dương 981. Ấy là trong thời gian “Biển Đông nổi sóng, dây nơ, kẹp tóc trở nhập từ Trung Quốc trở nên… khan hàng. Thế nào cũng có người thở dài. 3 năm trước, tiếng nói “cảm ơn hàng Trung Quốc” được cất lên từ chợ Đồng Xuân đã khiến không ít người Việt chạnh lòng. Và đến giờ, vẫn chưa có thêm bất cứ “mili %” hàng Việt nào chiếm lĩnh chợ Đồng Xuân- cái chợ bán buôn lớn nhất miền Bắc với hàng trăm năm tuổi, cái chợ nằm giữa thủ đô.

Nguyên nhân của việc hàng hóa Trung Quốc “nhuộm đỏ” chợ Đồng Xuân đã được nói tới từ 3 năm trước. Ấy là vì nó đẹp, vì nó rẻ, vì nó chiết khấu lớn, vì nó tiếp thị hay, vì... Vì tất cả những “cái vì” ấy ngược với hàng Việt. Thật khó để bảo những tiểu thương đúng là… tiểu thương, chỉ quan tâm đến “cái bụng” bản thân mà không bao giờ tự hỏi trong những chiếc áo con phụ nữ, món đồ chơi trẻ em hay cái nơ buộc tóc có chất độc làm tổn hại đến sức khỏe của đồng bào ta hay không?

Thật khó có thể buộc họ phải “tự hào hàng Việt”, bởi vì, rất chính đáng, đối với họ hàng nào cũng chỉ là vì cái bụng không rỗng mà thôi, bởi không thể ngăn sông cấm chợ trong thời buổi tự do hóa thương mại.

Nhưng “nỗi nhức nhối Đồng Xuân” hôm nay cho thấy một sự thật: Nếu tràn ngập các chợ đầu mối là hàng Trung Quốc thì có nghĩa là hàng Trung Quốc cũng tràn ngập nông thôn, nơi mà đời sống và thu nhập của hơn 2/3 dân số chỉ đủ cho những hàng hóa tiêu dùng “rẻ và đẹp”.

Nỗi nhức nhối Đồng Xuân cho thấy câu chuyện vươn cao, bay xa của các doanh nghiệp giống y như một chuyện cười.

Hãy nghe tiểu thương nói: “Họ có cách tiếp thị rất tốt, từ giám đốc, cho đến lãnh đạo đến tận nơi, xem tận mắt. Các vị nên học Trung Quốc. Người mua chỉ cần mua 2- 3 đôi (dép) người ta cũng bán, nhưng doanh nghiệp trong nước lại bắt chúng tôi nếu phải mua vài trăm đôi trong khi quầy hàng có hơn 2m2 nên chúng tôi không thể nhập hàng. Cái này là kém người ta”.

Có người, mà lại là một doanh nhân, có lần đã triết lý thế này: Không một doanh nghiệp nào thành công ở thị trường quốc tế mà lại không thành công ở thị trường nội địa.

Xin đừng có nói chuyện “ra biển lớn” với “hạm đội thuyền thúng” mà ngay cả đến cái chợ bên Bờ Hồ cũng không làm chủ được.