Kế hoạch tấn công Mỹ bằng virus Ebola
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama đã từ chối việc trao đổi này, cũng như việc phải trả số tiền chuộc 132 triệu USD để đổi lấy mạng sống cho nhà báo Foley.
Nữ khủng bố Aafia Siddiqui, 42 tuổi, được gọi với biệt danh “Lady Al- Qaeda”, vốn là một nhà thần kinh học người Pakistan. Sau khi kế hoạch tấn công hàng loạt ở Mỹ của Siddiqui, trong đó có việc tấn công bằng bom bẩn và gieo rắc bệnh Ebola bị bại lộ, Aafia Siddiqui bị bắt giữ và hiện đang phải chịu mức án 86 năm tù giam trong một nhà tù ở Texas.
Sau vụ khủng bố 9.11.2001 ở Mỹ, kẻ chủ mưu Khalid Sheikh Mohammed đã khai tên của Siddiqui năm 2003. Phải đến năm 2008, Mỹ mới tóm gọn được Siddiqui. Khi thẩm vấn, ác phụ Al-Qaeda Siddiqui thừa nhận đã lên kế hoạch chi tiết làm thế nào để rải virus Ebola trên toàn nước Mỹ. Khi bị bắt, cảnh sát Mỹ cũng phát hiện trong túi xách của ác phụ này cất giấu hai túi đựng chất độc sodium cyanide.
Những tài liệu điều tra cũng xác định, phố Wall, tòa nhà Empire State, cầu Brooklyn, tượng Nữ thần tự do và hệ thống tàu điện ngầm là những mục tiêu mà Siddiqui hướng đến trong kế hoạch tấn công ở New York. Theo mức án, Siddiqui sẽ được thả tự do vào ngày 8.8.2083.
Kể từ khi Siddiqui bị bắt giam, mạng lưới khủng bố Al- Qaeda thường xuyên có những yêu sách trao đổi để đổi lấy tự do cho Siddiqui, tuy nhiên đều bị phía Mỹ khước từ.
Trong một thông báo từ IS trong tuần qua cho thấy, lực lượng này đã cảnh báo việc chặt đầu nhà báo Mỹ Foley trên sa mạc là “hình phạt cho các cuộc không kích của Mỹ”.
Nhà báo Pháp Didier Francois nói với kênh phát thanh Châu Âu 1 rằng, trước khi bị chặt đầu, Foley đã từng bị đóng đinh vào tường sau khi những người Hồi giáo tìm thấy một bức ảnh của một người anh của Foley là nhân viên của lực lượng không quân Mỹ.
Nhà báo Foley đã phải chịu nhiều cực hình trong thời gian bị giam giữ, nhưng tất cả những đồng nghiệp của ông đều miêu tả “Foley là một nhà báo dũng cảm tuyệt vời”.
Nhà nước Hồi giáo thách thức thế giới
Theo đánh giá của Alaya Allani- một chuyên gia về Hồi giáo thuộc Đại học Tunis: “Tổ chức này có đến 12.000 quân, sở hữu nhiều thiết bị tinh vi, thu được từ quân đội Iraq”. Nhà nghiên cứu về Iraq, ông Karim Pakzad thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược IRIS của Pháp cũng cho rằng: “Binh lính của IS còn cực đoan và cuồng tín hơn cả Al-Qaeda. Chúng sở hữu nhiều loại phương tiện và một căn cứ địa mà Al-Qaeda chưa bao giờ có được. IS thực sự là một mối họa cho toàn thế giới”. Trong khi đó, nhận định của tờ New York Times cho rằng, Al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan xem việc bắt cóc các con tin phương Tây như là một ngành kinh doanh béo bở và có thể thu về hàng trăm triệu USD từ các khoản tiền chuộc. Trong khi các nước Âu châu đã trả nhiều triệu đôla để chuộc mạng cho các công dân của họ bị bắt cóc, thì Mỹ có chính sách không trả tiền chuộc mạng. Mỹ cho rằng trả tiền chuộc như châu Âu chỉ có lợi trong ngắn hạn nhưng không giải quyết được vấn đề mà còn gián tiếp “tài trợ cho quân khủng bố, giúp chúng tăng cường ảnh hưởng và khả năng chiến đấu”.
Các nhà bình luận cũng cho rằng, nếu như phương Tây sau 12 năm đã làm suy yếu được mạng lưới khủng bố Al-Qaeda qua việc tiêu diệt được tên trùm Osama bin Laden, thì với vụ hành quyết nhà báo Mỹ vừa qua, Nhà nước Hồi giáo muốn chứng tỏ rằng, IS là lực lượng kế thừa Al-Qaeda và tai ương sẽ được gieo rắc khắp nơi ngay trong lòng xã hội phương Tây. Bằng chứng để thấy mối đe dọa này hoàn toàn có thật là giờ đây hàng trăm thanh niên châu Âu đang tham gia vào đội quân của tổ chức này.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Teresa May cho biết, bà đang soạn thảo một dự luật mới chống các phần tử cực đoan Hồi giáo người Anh. Theo bà Teresa May, mối đe dọa do các phần tử Hồi giáo đặt ra đối với nước Anh sẽ còn tiếp tục trong nhiều thập niên tới.