Một trường hợp khác cũng vì quen và tin đại lý do nhiều lần đặt vé cho các chuyến đi của mình nên cuối năm rồi, chị Ngân (Gò Vấp) đặt vé cho hành trình Sài Gòn-Buôn Ma Thuột và mua sẵn cho gia đình hành trình Sài Gòn-Úc. Khi đến sân bay làm thủ tục từ Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột chị Ngân mới biết mã code của mình là dỏm. Gọi điện thoại cho người "quen" mà chị hay book vé thì máy ò í e, không thể liên lạc được.
Các nạn nhân sau khi bị lừa, tìm đến địa chỉ đại lý thì đó là nhà riêng hoặc chủ đại lý là một người khác. Có trường hợp hãng kiểm tra trên hệ thống thì code đặt vé là có thật nhưng chưa thanh toán tiền vé.
Theo quy định, sau 24 giờ kể từ khi đặt chỗ mà vé vẫn chưa được thanh toán thì hệ thống tự động sẽ hủy vé. Trong khi đó khách hàng đã tin tưởng trả tiền hết cho đại lý. Nhiều trường hợp người mua ngậm đắng nuốt cay không biết kêu ai.
Phần lớn các trường hợp bị lừa là từ những đại lý quen biết. Ban đầu các nơi này tạo sự uy tín, tin tưởng cho người mua bằng các giao dịch thành công. Khi đã tạo được lòng tin thì những nơi này mới ra tay.
Nên kiểm tra thông tin trên website chính hãng
Những trường hợp bị mua vé dỏm, code giả... khi liên hệ với các hãng hàng không thì các địa chỉ lừa NTD đều không phải là đại lý của hãng, hoặc khách hàng chỉ đặt vé qua điện thoại nhưng đã không đến phòng vé đóng tiền. Do đó trên thực tế giao dịch không được thực hiện. Phòng vé cũng không xuất phiếu thu cho hành khách.
Đại diện Jetstar Pacific cho biết hiện nay hãng chỉ có một loại hình đại lý duy nhất, đó là đại lý chính thức được bổ nhiệm (không có loại hình nào gọi là đại lý cấp 1 hoặc 2, 3... Trong trường hợp các đại lý vi phạm, đại lý sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật, đồng thời Jetstar Pacific sẽ xem xét áp dụng các biện pháp theo hợp đồng đã ký kết trên tinh thần hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của NTD. Nếu nghi ngờ, NTD có thể liên hệ tổng đài 19001550 sẽ được nhanh chóng hỗ trợ và xác thực thông tin.
Phía Jetstar lưu ý khi khách hàng đặt vé nên cần xác minh thông tin với đại lý, yêu cầu đại lý ghi lại số điện thoại của mình để có thể kiểm tra chuyến bay, lịch bay... nhằm đảm bảo lợi ích cho mình.
Trong khi đó VietJet Air khuyến cáo hành khách sau khi mua vé nên kiểm tra lại tại mục "Thông tin chuyến bay" trên website của hãng. Tại đây, hành khách kiểm tra code vé, tra cứu thông tin đầy đủ và chính xác về chặng bay, giờ bay và hình thức thanh toán. Hoặc hành khách cũng có thể liên hệ tổng đài 19001886 để kiểm tra tình trạng vé.
Bên cạnh đó, khách hàng nên mua vé qua các kênh chính thức của hãng hoặc tổng đài 19001886 và các phòng vé/đại lý chính thức. Các điểm bán vé này đều được niêm yết công khai và thường xuyên cập nhật trên website của hãng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam, cho biết các đại lý phạm pháp, gian lận trong kinh doanh cần sự vào cuộc của cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Cần sự kiểm soát của Nhà nước
Việc bán vé, xuất mã code giả là vấn đề phức tạp như bán hàng giả. Chủ sở hữu hàng hóa sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như hàng giả được mua tại các đại lý ủy nhiệm (đại lý chính hãng). Nếu như hàng giả (vé máy bay giả) lại bị mua ở đại lý không chính hãng thì chủ sở hữu hàng hóa sẽ không phải chịu trách nhiệm.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Nhà nước kiểm soát một số dịch vụ quan trọng như điện, nước, vận tải (đường sắt, đường hàng không), truyền hình, bán hàng trên truyền hình... các hợp đồng theo mẫu giao dịch chung. Do đó hợp đồng đại lý của các hãng hàng không cũng cần thuộc vào hợp đồng có sự kiểm soát của Nhà nước.