Ông Bát kể: “Trước đây, toàn bộ hơn 7 sào trồng thanh long ruột đỏ này là vùng đồng ruộng nhấp nhô, việc canh tác hết sức khó khăn. Tôi đã mạnh dạn đấu thầu đất của xã rồi mua cây cam đường Canh về trồng”. Cây cam đường Canh lúc thịnh vượng cũng cho ông hơn 100 triệu đồng/năm. Nhưng ông bảo, trồng cam tuy có lãi nhưng chăm sóc vất vả, lại sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cây cam trồng lâu năm rồi cũng già cỗi khiến năng suất và chất lượng quả giảm đi. Tình cờ, một người bạn giới thiệu mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), ông đến thăm và thấy “mê ngay” nên quyết định mua giống về trồng thử. Ngày ấy quê ông chưa có ai trồng thanh long.
Đó là vào đầu năm 2012, ông Bát quyết định đốn bỏ 50 gốc cam trong vườn để trồng thử thanh long. Do chưa nắm được kỹ thuật canh tác nên sau một thời gian toàn bộ số thanh long trồng thử nghiệm bị chết hết. Tuy thất bại, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc” – ông Bát chia sẻ.
Và ông quyết định quay lại Sóc Sơn để tìm hiểu thật kỹ cách chăm sóc từ khi trồng đến khi thu hoạch cây thanh long, đồng thời tìm hiểu thêm trên internet. Khi đã có chút “vốn” giắt lưng, ông quyết định thay thế toàn bộ diện tích đất trồng cam sang trồng gần 1.000 gốc thanh long.
“Một năm sau thanh long bắt đầu bói quả và cho thu hoạch được gần 8 tạ. Bắt đầu từ tháng 6.2014 tôi đã thu hoạch lứa thứ 2 và liên tục thu hái đến hết tháng 10. Còn thị trường đầu ra không khiến tôi lo lắng vì khi thanh long chưa kịp chín, đã có nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua. Hiện tại, với hơn 2 tấn quả thu được từ đầu vụ đến giờ, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, tính ra tôi cũng bỏ túi hơn 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi đang tiến hành ươm giống để bán, giá 6.000-7.000 đồng/cây” - ông Bát cho hay.