Thu lãi cao
Tháng 8.2013, ông Lê Hồng Thanh (xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia) đã dành 0,5ha trên tổng diện tích 2ha nuôi tôm thẻ chân trắng để nuôi tôm thử nghiệm theo quy trình VietGAP, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa. Theo đó, ông Thanh chia nhỏ các ao nuôi, mỗi ao 1.000m2, đồng thời đầu tư 2 ao ương con giống (500m2/ao), khi tôm được 25 - 30 ngày tuổi mới đưa sang ao nuôi thương phẩm. Ông Thanh cho biết, con giống được mua từ cơ sở cung cấp giống đạt tiêu chuẩn và đã qua kiểm dịch, thức ăn cũng mua từ đại lý có uy tín, mọi quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc, hoá chất đều được ghi chép cẩn thận vào nhật ký ao nuôi. Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật nên tôm trong mô hình đạt tỷ lệ sống trên 80%, lớn nhanh, sau 70 – 90 ngày nuôi đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 5,5 tấn tôm. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thanh thu lãi 440 triệu đồng.
Ông Thanh cho biết thêm, trước đây gia đình nuôi tôm sú, về sau thấy tôm thẻ cho hiệu quả kinh tế cao nên đã chuyển sang nuôi tôm thẻ, song lúc đó nuôi theo hình thức quảng canh nên nhiều vụ thiệt hại nặng do tôm bị dịch bệnh. Cũng từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu quy trình nuôi tôm VietGAP, tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. “Ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của khuyến nông viên nên tôi đã dần hoàn thiện mô hình, ngay vụ đầu tiên tôi đã thu 5,5 tấn tôm, trong khi nuôi quảng canh chỉ đạt 0,8 – 1,2 tấn. Ngoài ra, tôm nuôi theo quy trình VietGAP rất khỏe, kích thước to gần gấp rưỡi tôm thường nên giá bán cũng tốt hơn” - ông Thanh cho hay.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Huấn (xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) cũng áp dụng quy trình nuôi tôm VietGAP từ năm 2013 trên diện tích 0,5ha, do Ban Quản lý dự án nguồn lợi vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ. Ông Huấn cho biết: “Khi nuôi tôm VietGAP, từ con giống, thuốc, nguồn nước, vệ sinh ao đầm... đều phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì mới thành công. Không chỉ cho thu lời cao, mô hình nuôi tôm VietGAP còn giúp người nuôi chủ động phòng tránh một số loại dịch bệnh, nhất là đốm trắng”.
Vẫn khó nhân rộng
Trao đổi với phóng viên, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, điểm khác biệt của mô hình nuôi tôm VietGAP so với nuôi truyền thống là hộ nuôi phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nước, thức ăn, con giống… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc. “So với nuôi tôm thông thường thì nuôi tôm VietGAP khắt khe hơn, chi phí đầu tư cao hơn, bù lại tôm nuôi rất khỏe mạnh và phát triển tốt, giúp người nuôi phát triển sản xuất bền vững cũng như cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng” – ông Tiêu cho biết.
Ông Vũ Văn Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cho biết, mặc dù mô hình nuôi tôm VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, song đến nay toàn tỉnh chưa có mô hình nào được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình cũng gặp nhiều khó khăn do người dân quen nuôi theo kiểu truyền thống, chi phí đầu tư ít, trong khi các quy định, điều kiện thực hiện nuôi tôm VietGAP khá phức tạp. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp tập huấn, đơn vị sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích người dân thay đổi cách nghĩ và phương pháp nuôi tôm theo hướng bền vững.