Dân Việt

“Đường bay vàng” tiết kiệm nhiên liệu, sao doanh nghiệp vẫn ngại?

26/08/2014 15:20 GMT+7
Đối với các hãng hàng không lúc này, việc được bay thẳng chưa hẳn đã đồng nghĩa với lợi ích kinh tế, bởi dù tiết kiệm được nhiên liệu nhờ quãng đường rút ngắn 140km nhưng chi phí phải trả khi qua không phận nước bạn là không hề nhỏ.

Thông tin về khả năng lập đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM được công bố sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Phó thủ tướng Campuchia hôm 21.8. Kế hoạch này cho phép các hãng hàng không có thể tổ chức các chuyến bay giữa Hà Nội và TP HCM theo lộ trình gần với đường thẳng nhất nối 2 điểm (đi qua không phận Lào và Campuchia), thay vì phải đi theo các đường gấp khúc, vòng ra biển như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với thời gian và chi phí nhiên liệu cho các chuyến bay sẽ giảm đi.

imgĐường bay Hà Nội - TP HCM mà các hãng hàng không đang bay hiện nay (bên trái), và minh họa đường thẳng nối Hà Nội với TP HCM, qua không phận Lào và Campuchia (bên phải).

Cục trưởng Cục Hàng không - Lại Xuân Thanh cho biết ý tưởng lập đường bay thẳng này đã được đề xuất từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn khi đó, ý tưởng này chưa thể thực hiện. Còn theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một chuyên gia lâu năm trong ngành hàng không cũng cho hay, trong giai đoạn 2006-2008, Vietnam Airlines cũng từng đề xuất việc nghiên cứu thiết lập thêm các đường không lưu thẳng nhất có thể, để hoạt động hàng không trở nên hiệu quả và kinh tế hơn.

Đến giữa năm 2009, ý tưởng này một lần nữa dậy sóng khi một số chuyên gia như Mai Trọng Tuấn, Trần Đình Bá đề cập đến việc lập "đường bay vàng" để nối 2 trung tâm kinh tế của đất nước. Ông Trần Đình Bá thậm chí còn thách cược 5 triệu USD với Cục Hàng không khi đó về tính hiệu quả của phương án.

Đến nay, sau gần 5 năm ít được nói đến, câu chuyện về đường bay thẳng một lần nữa gây chú ý khi Bộ Giao thông vận tải tỏ rõ quyết tâm thực hiện. Theo quan điểm của cơ quan quản lý, hiện Việt Nam bắt đầu sử dụng phương thức dẫn đường vệ tinh, thay vì đơn thuần dẫn bằng các trạm mặt đất như trước. Do đó, việc điều hành máy bay trên địa hình hiểm trở của Lào và Campuchia không còn là trở ngại. Bên cạnh đó, đường bay thẳng nay nhận được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức lại vùng trời, nhằm ưu tiên cho hoạt động bay dân dụng, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đối với các hãng hàng không lúc này, việc được bay thẳng chưa hẳn đã đồng nghĩa với lợi ích kinh tế, bởi dù tiết kiệm được nhiên liệu, chi phí phải trả khi qua không phận nước bạn là không hề nhỏ.

Cụ thể, theo số liệu của các hãng, phí trả cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho lộ trình Hà Nội - TP HCM hiện nay (nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam là 3,5-4 triệu đồng. Ngược lại, nếu quá cảnh qua Lào và Campuchia, mỗi chuyến sẽ tốn 836 USD (17,7 triệu đồng) với máy bay Boeing 777, 622 USD (13 triệu đồng) với máy bay Airbus A320.

img

Trong khi phí quản lý bay đội lên, các hãng hiện chưa thể tính toán sẽ tiết kiệm được bao nhiêu từ nhiên liệu. "Đến nay, chưa ai hình dung được "đường bay thẳng" sẽ có có độ dài như thế nào, vì trên thực tế vẫn có những vùng không thể đi qua, phải bay vòng để tránh, cũng như phải đi thêm hàng chục km để vào luồng hạ cánh", một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết.

Hiện tại, đường bay nối Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà các hãng sử dụng hàng ngày dài 1.274km. Một chiếc Airbus A320 sẽ mất một tiếng 42 phút, tiêu thụ gần 4,7 tấn nhiên liệu để đi hết đoạn đường trên, theo tính toán của Cục Hàng không. Còn ngay cả khi tính khoảng cách theo "phương pháp Trần Đình Bá", đường thẳng như kẻ chỉ nối từ Nội Bài tới Tân Sơn Nhất có khoảng cách 1.140km.

Với những tính toán của riêng mình, hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) vừa gửi kiến nghị lên Cục Hàng không, đề nghị đàm phán với cơ quan chức năng Lào và Campuchia về việc giảm 50% phí quá cảnh với đường bay Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - TP HCM, với lý do đảm bảo hiệu quả kinh tế. "Nếu phía bạn chỉ giảm 35% đối với đường bay Hà Nội - Phú Quốc cũng có thể chấp nhận được", văn bản của Vietnam Airlines viết.

"Khi đàm phán giảm giá với hai nước, Việt Nam đã giải thích cho bạn đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi. Nếu giảm phí, các hãng sẽ bay nhiều qua ngả này và nước bạn sẽ thu được tiền", Cục trưởng Lại Xuân Thanh lý giải. Cục trưởng cũng nói thêm, phía Campuchia cho biết họ ủng hộ phương án, nhưng việc giảm phí cần trình lên Chính phủ nước này để được xem xét.

Ngược lại, nếu mức phí được giữ nguyên, đường bay thẳng sẽ trở thành bài toán khó về kinh tế đối với các hãng hàng không Việt. Thực tế hiện nay Vietnam Airlines hiện đã được phép bay Hà Nội - TP HCM qua không phận Lào và Campuchia qua vùng trời Phnompenh. Tuy nhiên, hãng chỉ sử dụng tuyến này trong những trường hợp bất khả kháng như có bão, thời tiết xấu vì e ngại phí quá cảnh cao.

Ngày 21.8, Bộ trưởng Bộ Giao thông đã Hội đàm cùng Phó Thủ tướng Campuchia, bàn về việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM qua không phận Campuchia.

Sau các chỉ đạo của Bộ trưởng, ngành hàng không đang cấp tập chuẩn bị cho việc nghiên cứu đường bay. Hôm qua, một Tổ nghiên cứu đã được thành lập, với mục đích nghiên cứu, xây dựng đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất sử dụng không phận của Lào, Campuchia và các phương thức bay kèm theo.

Cũng trong ngày hôm qua, Cục Hàng không có cuộc họp với Cục tác chiến của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng phòng không không quân về đường bay. Ngay trong tuần này, một tổ nghiên cứu ở phạm vi 3 nước cũng sẽ được thành lập. Trong tháng 9, ba nước sẽ thống nhất các yếu tố kỹ thuật liên quan đến việc mở một đường hàng không mới. Sau khi thống nhất, Việt Nam sẽ tiến hành bay thử nghiệm hoặc tính toán hiệu quả đường bay dựa trên các số liệu, để ra kết quả cuối cùng cho thấy đường bay thẳng tiết kiệm bao nhiêu thời gian, quãng đường và chi phí cho các hãng hàng không.