Tại các tỉnh phía Nam, khi nói đến nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng nghề đan lát truyền thống tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Với thời gian tồn tại ngót 100 năm ở đất Sài Gòn – Gia Định, Thái Mỹ ngày xưa được mệnh danh là cái nôi của sản phẩm thúng, xảo, rổ…làm từ mây, tre, trúc.
Do diện tích đất không nhiều để quy hoạch trồng cây nguyên liệu, cho nên người dân địa phương thường trồng trúc, tre dọc hàng ranh, hàng rào vừa để giữ đất vừa để có nguyên liệu để giữ nghề. Ngoài ra, bà con nơi đây tận dụng những khoảng đất trống bất kỳ ở đâu trong vườn nhằm đáp ứng được phần nào đó cho nhu cầu sản xuất hàng ngày.
Tại Xã Thái Mỹ, các sản phẩm sọt, thúng... làm từ tre trúc được thương lái thu gom tận nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ, trước đây có thời gian nghề đan lát Thái Mỹ phát triển mạnh đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của địa phương và là nguồn thu nhập chính của các hộ dân.
Tuy nhiên, do giá trị kinh tế mang lại không cao nên càng ngày số người dân gắn bó với nghề ngày càng ít. Hiện nay cả xã chỉ còn khoảng 300 hộ dân (trong tổng số hơn 3.300 hộ dân toàn xã) còn duy trì nghề này. Với các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ chỉ mang lại mức thu nhập thấp khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng. Các cơ sở sản xuất còn hoạt động mạnh vì phục vụ xuất khẩu, nhưng mức thu nhập của công nhân cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.
“Ngoài ra, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh cũng khiến nguồn nguyên liệu tại chỗ giảm đi, các cơ sở muốn duy trì sản xuất phải mua nguyên liệu ở các địa phương khác, khiến chi phí sản xuất tăng. Thu nhập từ nghề này không cao nên các lao động trẻ không còn gắn bó với nghề, thay vào đó họ tìm các công việc khác ở công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp để có thu nhập ổn định hơn.”- Ông Hùng cho biết thêm.
Mặc dù thu nhập không cao những nhiều hộ dân do gắn bó với nghề lâu nên khi rảnh rỗi cũng ngồi chẻ tre trúc.
Dạo một vòng quanh xã Thái Mỹ, chúng tôi thấy số người cưa tre, chẻ trúc, đan lát sản phẩm cũng khá thưa thớt. Tuy nhiên, khi tìm được một hộ nào đó làm nghề và chứng kiến cảnh họ thoăn thoắt chuốt từng cọng tre, trúc để đan ra cái thúng, sọt… mới hiểu được nỗi vất vả và cái tâm của họ khi muốn duy trì nghề truyền thống.
Tay thoăn thoắt đan cọng dây cuối cùng ở vành thúng để hoàn thành sản phẩm, bà Lê Thị Trang, ở ấp Bình Thượng 1, chia sẻ: Đây là nghề cha truyền con nối của chúng tôi. Trước đây cha mẹ tôi cũng sống bằng nghề này. Năm 10 tuổi tôi đã theo nghiệp của cha mẹ và duy trì đến bây giờ. Vợ chồng tôi nuôi các con ăn học nên người cũng bằng nghề đan lát. Giờ tuổi già sức yếu nhưng vẫn bám với nghề để phụ con cháu kiếm thêm thu nhập trang trải đời sống. Ngoài ra, nghề này ngấm vào trong máu rồi, giờ không làm nghề này chẳng biết làm gì.
Bà Lê Thị Trang (bìa phải) từ nhỏ đã gắn bó với nghề truyền thống.
Mặc dù cho thu nhập không cao, nhưng với nhiều người phụ nữ lớn tuổi trong làng việc bám trụ với nghề cũng giúp họ có đủ ăn hàng ngày. Chị Lê Thị Gái, ở ấp Bình Thượng 1 cho biết: Đã 19 năm theo nghề đan lát chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề. Để có được thu nhập từ nghề này, tôi phải thức khuya dậy sớm cần mẫn và tỷ mỉ với công việc chẻ nan, đan thành phẩm. Nghề gì cũng vậy, chỉ cần siêng năng, chăm chỉ thì cũng đủ ăn, chứ giờ lớn tuổi rồi muốn làm việc gì khác cũng khó khăn.
Theo những người dân làm nghề đan lát truyền thống tại xã Thái Mỹ, để tạo ra được một sản phẩm chỉ có giá từ 5.000 – 25.000 đồng phải mất rất nhiều thời gian và theo quy trình đan lát như chặt trúc, cưa đoạn, ra vóc, trẻ nan, đan thành phẩm, cuối cùng là hoàn thành sản phẩm. Một người thợ có thể làm số lượng bao nhiêu trong một ngày tùy từng loại sản phẩm và tay nghề lâu năm. Sản phẩm hoàn thành được các thương lái trong vùng đến tận nhà thu gom, bán đi các địa phương lân cận.
“Ngày trước, tiếng lành về sản phẩm đan lát được đồn xa, cho nên thị trường sản phẩm của làng nghề Thái Mỹ được mở rộng ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Ngày nay, để giảm bớt quá trình thủ công và rút ngắn thời gian làm sản phẩm, gần đây người dân trong xã đã sáng tạo ra chiếc máy róc trúc và ép vành. Khá giả hơn, nhiều cơ sở nhỏ còn lên kế hoạch “cơ giới hóa”, nhập máy chẻ nan từ nước ngoài về, khép kín khâu sản xuất nguyên liệu đan. Vì vậy, các sản phẩm làm ra cũng rút ngắn thời gian hơn nhưng do nhu cầu thị trường hạn chế, nguyên liệu đầu vào thiếu, giá cả đầu ra sản phẩm thấp cho nên số hộ gắn bó với nghề cũng giảm dần”- Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho biết.
Nhờ nghề truyền thống đan lát mà nhiều hộ dân tại Thái Mỹ nuôi con ăn học nên người.
Khi chúng tôi hỏi về việc tại sao xã không tìm cách để phát triển nghề truyền thống cho bà con? Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho hay: Xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa thì việc phát triển làng nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi bây giờ người ta đa số dùng các sản phẩm làm từ nhựa, nhôm, inox…chứ ít dùng đồ làm từ mây, tre. Tuy nhiên, chúng tôi đặt mục tiêu cố gắng duy trì làng nghề chứ không dám nghĩ đến phát triển vì điều kiện phát triển hoàn toàn khó khăn.
Theo đó, để duy trì làng nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân và Hội phụ nữ xã cũng đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn để mua nguyên liệu sản xuất, bên cạnh đó vận động bà con trồng trúc, tre để tăng thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ. Ngoài ra, hàng năm Chi cục phát triển nông thông thành phố hỗ trợ cho các hộ gia đình nguyên liệu tre, trúc để phục vụ sản xuất...