Dân Việt

"Bí mật" về những “mã di truyền” gửi cho hậu thế

PGS-TS Trịnh Sinh 02/02/2014 16:54 GMT+7
Có một nơi đọng trong sâu thẳm tâm hồn người Việt, đó là làng. Nơi mà có cây đa, giếng nước, mái đình. Nhưng còn một nơi nữa, lắng sâu hơn, như bức tranh đọng lại thuở nào, như cái “mã di truyền” của cha ông dành cho hậu thế. Đó là những mảng chạm khắc đình chùa.
Cái thế kỷ 17 cũng lạ, đình làng được mọc lên như nấm sau mưa. Đình làng nào cũng có nhiều mảng chạm khắc hoa văn trên gỗ, đôi khi cũng chạm khắc trên bia đá. Đẹp và quá nhiều đề tài phản ánh mọi mặt của đời sống làng xã đương thời. Nhất là hầu như không có cái “khuôn” nào chế ngự sự sáng tạo của các nghệ nhân làng. Trước thế kỷ 17, hình tượng “nhạy cảm” như con rồng hầu như không thấy ở làng xã, vì đó là biểu tượng của Vua, của thời điểm Nho giáo khắc nghiệt đang thịnh hành. Sau thế kỷ 17, nhất là thời Nguyễn, các đề tài cấm kỵ cũng không được phép mang vào đình làng nữa.

  Chọi trâu - điêu khắc trên đình Hạ Hiệp.
Chọi trâu - điêu khắc trên đình Hạ Hiệp.

Thế kỷ 17, đó là thời Lê Trung Hưng, của sự tranh giành quyền lực Vua Lê, Chúa Trịnh. Vì thế mà cái sự tôn nghiêm của nghệ thuật cung đình có sự suy giảm, nghệ thuật dân gian nở rộ và tràn về từng làng thôn. Cũng chính vì thế mà ngày nay chúng ta có được cái kho di sản nghệ thuật tạo hình lớn như thế nằm trong khá nhiều làng, nhất là làng ở châu thổ sông Hồng.

Hình tượng con rồng vẫn là mảng chạm khắc đẹp, nhưng không còn thiêng như trước đó mà đã có cảnh “vuốt râu rồng”, rồi thôn nữ cưỡi rồng mà có người còn gọi là tiên cưỡi rồng. Trên đình Thổ Hà, có cả hình khắc một ông lão cùng với các cô gái cũng cưỡi rồng. Con rồng từ biểu tượng của vương quyền đến với xóm làng đã có cuộc sống đời thường hơn. Trên mảng chạm ở đình Chèm, đình Hương Canh có cảnh rồng phun mưa. Táo bạo hơn, nghệ sĩ dân gian còn chạm cảnh đôi rồng đang ấp nhau, giao phối. Trên đình Phù Lão, có mảng chạm rồng còn đang ngắm cảnh trai gái đang giao hoan, trên râu rồng đang có cô gái khỏa thân đang nằm.

Bên cạnh việc kéo cái biểu tượng vương quyền xuống với dân gian, thì mọi mặt đời sống làng xã bấy giờ đã được miêu tả khá sinh động. Đáng lưu ý nhất là cảnh đùa nghịch, hóm hỉnh quanh chuyện nam nữ đời thường. Cảnh trai gái cởi trần ôm nhau, cảnh một người phương Tây đang ôm và tay thò vào ngực một cô gái ở đình Dương Liễu. Còn những cảnh tả thực hơn như đôi trai gái đang giao hoan tại đình Phù Lão, đình Ngô Nội. Người phụ nữ nằm ngửa cuộn váy lên và đôi chân quặp lấy sườn người đàn ông. Tại ngôi đền Đệ Tam lại có cảnh 3 cô gái làng đang khỏa thân, có cô đang cầm lá sen che phần dưới. Một người đàn ông một tay nắm tay cô gái, một tay đang sờ vào ngực. Cái mô típ này còn lặp lại ở đền Đông Viên, nhưng lại là 4 cô gái và một người đàn ông. Cái giới tính của cô gái được chạm rõ nét.

Điêu khắc dân gian làng quê không chỉ như một bức tranh về cuộc sống đương thời mà còn mang giá trị nghệ thuật cao.

Thực ra, cái chuyện nam nữ giao duyên không chỉ được chạm ở đình, đền mà còn được đúc hẳn thành tượng trước đó 2.000 năm trên nắp thạp đồng Đào Thịnh. Đó là biểu tượng của phồn thực, của sinh sôi nảy nở, cầu mong mùa màng tốt tươi mà thời đại nào con người cũng khao khát. Khung cảnh làng quê được miêu tả chân thực trong chạm khắc. Đây đó là cảnh chọi trâu, chèo thuyền, đánh cờ, đấu vật, bắt hươu như trong ngày hội làng. Nhiều con vật trong xã hội xưa, nhất là những con vật gần gũi nông nghiệp và làng xóm cũng được chạm khắc với nhiều góc độ sinh động. Bên cạnh những cảnh người, động vật, trên các mảng chạm khắc còn có cỏ cây hoa lá làm nền vui mắt.

Chỉ với những nét đục, chạm khắc, các phiến gỗ tưởng như vô tình đã trở thành tác phẩm vô giá dưới tay các người thợ vô danh. Đôi khi, thay vì những mảng chạm mang tính chất phù điêu, họ còn tạc các bức tượng tròn với không gian ba chiều như tượng người cưỡi hổ, cưỡi ngựa. Các mảng đậm nhạt đan xen nhau do cách tạo khối lồi lõm, đôi khi còn được sơn phết màu đã cho thấy cách xử lý ánh sáng độc đáo, đa chiều và sống động.

Các mảng chạm khắc và nhất là đề tài thể hiện bản sắc nghệ thuật trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm đã là kho tàng văn hóa vô giá mang căn cước của một dân tộc giàu tính nhân văn. Cái kho tàng này tiếp tục được phát huy trong các làng nghề chạm khắc gỗ hiện nay. Cái hồn cốt dân tộc vẫn còn theo các nhát đục đẽo cho đến tận hôm nay và mai sau.