Dân Việt

Những quả thanh long “khủng” nặng 1,2kg và bí quyết kì diệu

Đức Khánh 27/08/2014 14:36 GMT+7
Với kinh nghiệm và kỹ thuật của mình, những nhà nông giỏi giang của Đài Loan đã cho ra đời những quả thanh long nặng tới 1,2-1,3kg (gấp đôi trọng lượng bình quân của thanh long Việt Nam).

Cách trồng hiện đại

Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho biết: “Mặc dù thời gian qua, mặt hàng thanh long Việt Nam tuy đạt được những kết quả hết sức khả quan nhưng thời gian tới đây thanh long Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt vì nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Đài Loan và Trung Quốc đang bắt đầu phát triển trồng mạnh mặt hàng nông sản này”.

TS Nguyễn Minh Châu cho biết: “Qua quan sát tại các nhà vườn ở Đài Loan cho thấy, cây thanh long Đài Loan được nhà nông nước bạn xử lý trồng trên các líp cao khoảng từ 30 – 50cm nhằm để chủ động chống úng, thoát nước nhanh giúp cho bộ rễ phát triển xanh tốt.

Mặt khác, do đặc thù của bộ rễ thanh long nhiều nhánh, chủ yếu phân bổ ở bề mặt, vì vậy phần đất mặt luôn được xử lý tơi xốp, giàu dinh dưỡng và đủ ẩm. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường canxi cho cây phát triển cứng cáp và giúp thời gian bảo quản trái được lâu dài ngoài một lượng phân đạm, lân và  kali ra, nhà nông Đài Loan còn xử lý rải nhiều vỏ trứng gà, vịt, trấu… dưới gốc cây”.

“Những vườn thanh long ở Đài Loan được người nông dân trồng với quy mô lớn và bài bản. Khoảng cách trồng giữa cây với cây, hàng với hàng cách nhau từ 1 – 3m. Hệ thống tưới nước được thiết kế tự động cả trên ngọn và dưới gốc, hầu hết thanh long sau khi ra trái đều được bảo quản bằng cách bao lại một cách cẩn thận” – PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho biết thêm - Việc làm trụ đỡ cho thanh long là hết sức quan trọng. Theo quan sát của tôi, cách làm và thiết kế trụ thanh long của nhà vườn Đài Loan khác hoàn toàn với  cách trồng truyền thống của nhà vườn Việt Nam hiện nay.

Cụ thể là họ sử dụng 2 ống tuýp bắt chéo vào nhau làm thành hàng dọc, sau đó họ đặt một thanh sắt dài lên dãi các ống tuýp để làm giá đỡ cho cây; ở giữa các khoảng chéo của 2 ống tuýp họ cặm thêm một thanh sắc nhỏ để trồng thanh long.

Bà con nhà vườn trồng thanh long Việt Nam cần lưu ý rằng: Để nuôi dưỡng cây thanh long sinh trưởng phát triển tốt, cành căng tròn, phát triển đồng đều hạn chế được bệnh đốm trắng, nhà vườn Đài Loan trồng rất thưa, một gốc họ để rất ít cành, mỗi cành con mang rất ít nhánh con và mỗi nhánh họ chỉ xử lý cho ra hoa 1 trái.

Với cách làm như vậy, ngoài mặt hạn chế được rủi ro dịch bệnh, giúp cây phát triển tốt, thời gian ăn trái lâu; quan trọng nhất là trái phát triển cực kỳ tốt, bình quân đạt trọng lượng từ  1,2 – 1,3 kg (gấp đôi trọng lượng thanh long Việt Nam). Trên thực tế, cây thanh long cần nguồn dinh dưỡng lớn nên việc cắt tỉa cành và ủ phân tái sử dụng như kinh nghiệm của Đài Loan là rất cần thiết.

Ở nước bạn, để xử lý cho trái ra hoa nghịch vụ họ treo bóng đèn cao qua khỏi đầu người phương pháp này vừa an toàn, vừa mang lại hiệu quả cao.

Chú trọng sản xuất an toàn

Để nâng cao tính cạnh tranh, chủ động thị phần kể cả trong sản xuất và tiêu thụ, theo tôi giải quyết được vấn đề này, con đường duy nhất là nông dân cần phải từng bước đổi mới tư duy, thay đổi phương pháp canh tác; áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới, nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất đúng yêu cầu thực hành nông nghiệp tốt GAP (VietGAP, GlobalGAP), bảo đảm tính an toàn tuyệt đối của nông sản, ghi chép sổ sách để truy nguyên được nguồn gốc.

Một việc làm song song, theo TS Nguyễn Minh Châu, cần phải được ưu tiên tổ chức lại sản xuất thanh long. Sự tác động của xã hội và thị trường vừa qua đã giúp nông dân hình thành một vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Nông dân cũng đã được trang bị kiến thức sản xuất theo quy trình GAP, nhưng nếu mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết giữa những người sản xuất với nhau một cách tự nguyện hoặc sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thì không thể phát huy những yếu tố thuận lợi của vùng nguyên liệu tập trung.

Đồng thời, phải tận dụng mọi thị trường khó tính, dễ tính lớn, nhỏ và cả trong nước để phát triển thương mại. Song song đó, thanh long cần phải được tăng chất lượng để giữ vững thị trường khó tính, có quy hoạch hợp lý để trồng rải vụ, trái vụ. Đặc biệt, trong quy hoạch và phát triển thanh long, GAP là giải pháp lâu dài và cần thiết, GAP là tiền đề quan trọng để tăng chất lượng, giữ vững thị trường xuất khẩu đã có và phát triển thêm thị trường mới. 

Được biết, Viện Cây ăn quả miền Nam đang tiến hành thí nghiệm việc xông đèn cho cây thanh long bằng bóng đèn 17W để thay cho loại bóng 20W hiện nay của nhà vườn của Việt Nam hay bóng 23W của Đài Loan đang sử dụng nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí sản xuất.

     
 

“Nhằm tăng cường canxi cho cây phát triển cứng cáp và giúp thời gian bảo quản trái được lâu dài, ngoài một lượng phân đạm, lân và  kali ra, nhà nông Đài Loan còn xử lý rải nhiều vỏ trứng gà, vịt, trấu… dưới gốc cây”.


TS Nguyễn Minh Châu