Thâu tóm ngân hàng, chứng khoán
Cuối tháng 7.2014, Reuters cho biết, ngân hàng lớn thứ hai Malaysia là CIMB Group Holdings BHD đã có kế hoạch xin giấy phép vào Việt Nam. Ngân hàng có tài sản lớn thứ 5 ASEAN này cũng dự định sẽ mở rộng ra nhiều nước khác trong khu vực và Việt Nam là một mục tiêu ưu tiên.
Các NĐT Malaysia tỏ ra đặc biệt quan tâm tới thị trường NH Việt Nam.Những NH lớn nhất nước này đã hiện diện từ lâu ở Việt Nam như Maybank và Hong Leong.
Hong Leong là NH nước ngoài đầu tiên tại Đông Nam Á được cấp phép cấp phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2009.
Maybank đã tham gia vào thị trường Việt Nam với tư cách là cổ cổ đông chiến lược ABBank từ năm 2008 và cũng đã có 2 chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Cuối tháng 7 vừa qua, ABBank và Maybank đã kết nối hệ thống ATM với mục tiêu hợp tác vươn ra khu vực và thế giới.
Gần nhất là trường hợp Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia đã đạt được thỏa thuận mua lại phần góp vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV trong liên doanh VID Public (VPB) hồi tháng 7 vừa qua để xin thành lập ngân hàng 100% sở hữu nước ngoài.
Các ông chủ những tập đoàn lớn đến từ đất nước hồi giáo Malaysia đến Việt Nam đang âm thầm thâu tóm ngân hàng, chứng khoán |
Cùng với NH, chính các tập đoàn này cũng không bỏ qua TTCK khá hấp dẫn của Việt Nam với sự đầu tư khá kiên trì.
Tháng 5.2014,Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đã tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ lên 615 tỷ sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam. Bước đi này giai đoạn tiếp theo sau khi DN này trở thành CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam hồi đầu năm. Sự kiện nay được nhìn nhận là bước tiến của một định chế ngân hàng đầu tư của Malaysia ở Việt Nam.
Giữa tháng 6.2014, một tập đoàn khác của Malaysia là HVS đã mua lại toàn bộ phần vốn góp trong CTCK Hùng Vương và đổi tên công ty này thành CTCK HVS Việt Nam với mục tiêu trở thành một ngân hàng đầu tư và nhà môi giới tầm cỡ quốc tế.
Cũng giống như người Thái, các NĐT đến từ Malaysia cũng quan tâm nhiều tới bán lẻ và thực phẩm. Tập đoàn Parkson của Malaysia trong nhiều năm qua vẫn âm thầm mở rộng hệ thống cho dù vẫn gặp khó khăn trong hoạt động. Cuối 2013 vừa qua, Parkson khai trương trung tâm thứ 9 tại Việt Nam tại quận 2, TP.HCM.
Các thương hiệu dầu ăn như Sailing boat, Fimifie hay đồ uống thực phẩm SugarBun và The Chicken Rice Shop của Malaysia cũng đang tấn công vào thị trường thực phẩm Việt.
Bên cạnh đó, hàng không và CNTT cũng được Malaysia quan tâm. Đầu tháng 6 vừa qua, AirAsia đã mở lại đường bay thẳng Kuala Lumpur-Đà Nẵng với tần suất bốn chuyến bay một tuần. Liên doanh Hitachi Sunway Nhật Bản - Malaysia cũng đã có mặt tại Việt Nam để khai thác cơ sở hạ tầng CNTT tại Việt Nam.
Chùn bước BĐS, năng lượng?
Trái ngược với sự hào hứng với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán bán lẻ và thực phẩm, nhiều NĐT Malaysia dường như đang chán nản với các dự án BĐS, liên quan tới BĐS và năng lượng tại Việt Nam.
Các đại gia của nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN đến Việt Nam làm ăn khá sớm và ngày càng tỏ ra mạnh mẽ và lợi hại. |
Tháng 7.2014, Gamuda Land Vietnam đã ra thông báo dừng xây dựng khu B Công viên Yên Sở - công viên lớn nhất Hà Nội vừa mở cửa hồi tháng 4.2014 với lý dó được cho là chi phhí giải phóng mặt bằng tăng đột biến, không thể tiếp tục ứng trước để thực hiện việc đầu tư dự án này.
Liên quan tới BĐS và casino, một công ty con của Tập đoàn Genting là Genting Berhad Malaysia hồi cuối 2012 cũng đã rút khỏi siêu dự án 4 tỷ USD là khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại Quảng Nam. Đây là dự án gồm nhiều hạng mục khách sạn, resort, biệt thự, đặc biệt là có hạng mục khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài có tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD.
Còn theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX), IEV Energy Sdn.Bhd của Malaysia hồi giữa tháng 5 đã bán thỏa thuận thành công hơn 1,8 triệu cổ phiếu CNG (tương đương gần 6,7% vốn) để thoái vốn khỏi DN hoạt động trong lĩnh vực năng lượng này.
Một NĐT Malaysia khác là Sanjung Merpati Sdn Bhd hồi giữa năm 2013 cũng đã xin rút khỏi thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy Nhiệt điện Hải Dương có quy mô hơn 2 tỷ USD.
So với khu vực, có thể thấy, Malaysia chưa phải là nước mang vốn nhiều vào Việt Nam. Các NĐT Malaysia chỉ đứng thứ 8 trong đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, số vốn hơn 10 tỷ USD rót tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trong, trong đó có ngân hàng và chứng khoán.
Với mảng BĐS, sự đi xuống của thị trường này có lẽ đã khiến nhiều đại gia Malaysia nản chí. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đang muốn thâu tóm lại các dự án đẹp của các DN đói vốn trong nước như trường hợp Perdana Parkcity mua lại 100% cổ phần và tiếp quản Công ty VIDC, chủ dự án Park City tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Sự vận động của dòng vốn trong và ngoài nước đã và đang giúp kinh tế Việt Nam tiến lên, giúp các DN trong nước xoay xở trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, sự lớn mạnh của các đế chế của các đại gia ASEAN trong các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, bán lẻ, thực phẩm... có thể khiến nền kinh tế lao đao. Chính các đại gia trong ASEAN đã xác định đối thủ cạnh tranh trực tiếp và mạnh mẽ đối với họ chính là các tập đoàn trong khu vực.