Dân Việt

"Rái cá" khuyết tật miền Tây 35 năm cứu người thoát chết đuối

Ngọc Quyên (Dòng đời) 02/09/2014 20:00 GMT+7
Đến chợ Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) hỏi ông Tân què, ai cũng biết. Người thợ lặn đại tài ấy tên đầy đủ là ông Hồ Văn Tân, hiện sống tại khu vực 1, phường Ngã Bảy. Tuy bị dị tật, nhưng 35 năm qua ông được mệnh danh là rái cá miền Tây chuyên cứu người, trục vớt tàu bè gặp nạn.

Quê gốc của ông Tân ở tận Huế, mấy chục năm trước gia đình ông chuyển vào Nam sinh sống. Lúc đầu ông làm ruộng ở Hòa Mỹ (Phụng Hiệp) nhưng không đủ sống. Ông Tân kể: “Năm 5 tuổi, trong một lần bị sốt thương hàn, bị chích nhầm thuốc, từ đó chân phải tôi teo dần lại”.

Không đầu hàng số phận, ông Tân ra sức luyện tập để tự đi lại và sinh hoạt mà không phải nhờ người thân giúp đỡ. Trước khi làm nghề trục vớt ghe, tàu, ông Tân sống bằng nghề bán bánh lá dừa quanh các bến xe, khắp các ngả chợ ở Ngã Bảy để kiếm bữa ăn sống qua ngày. 

img Chỉ với một ống thở, ông Tân có thể ngâm mình sâu dưới đáy sông hàng giờ. (Ảnh: Chúc Ly)

“Rồi khi lớn lên, tôi nghĩ sống đã lâu ở miền sông nước mà không biết bơi thì coi không được nên tôi quyết tâm tập bơi cho bằng được. Những lúc rảnh rỗi, tôi cùng một số thanh niên thi thố tài bơi lội, lần nào tôi cũng thắng”. Nhờ quyết tâm của mình, ông Tân không những biết bơi mà còn là một người bơi giỏi, thợ lặn kỳ tài, dám lặn sâu xuống tận đáy sông.

 

Sống tại ngã bảy sông, nơi giao nhau của các con sông lớn đổ về nên ông Tân chứng kiến không ít trường hợp xuồng ghe của người dân bị chìm. Không sợ nguy hiểm, ông lao ra cứu người, vớt đồ đạc, tài sản, ghe chìm... Công việc không ai dám làm đó chỉ có mình ông đảm nhiệm. Năm 2000, bà con thương xót cho ông mượn 7 triệu đồng mua chiếc ghe tam bản và chiếc xe Honda 5.5 mã lực để thuận tiện cho việc mưu sinh. 

Ông Tân nhớ lại: “Năm 20 tuổi, lần đầu tiên tôi cứu vớt 2 vợ chồng thương binh đi bán muối trên chiếc ghe nhỏ. Người chồng bị cụt một chân, 2 vợ chồng già yếu. Thấy ghe chìm nên tôi cứu, rồi thấy người ta nghèo mình cũng giúp họ đổ xăng về nhà, không nhận tiền công. Sau này, hai vợ chồng đó có quay lại và đền ơn 10kg gạo, tự nhiên thấy ấm lòng”.

Không chỉ làm việc ban ngày mà cả ban đêm, chỗ nào có tai nạn tàu ghe, sà lan chìm, ai nhờ là ông đều giúp. “Có những khi, dù đêm hôm lạnh lẽo, đang ngủ mà nghe tiếng la thì cũng phải tốc dậy mà lặn tìm và nâng lên cho bằng được để người gặp nạn có thể về nhà. Sống ở miền sông nước này, cái ghe, cái xuồng là cả gia nghiệp của người dân nơi đây”.

Ông Hồ Văn Tân cho biết thêm, khó khăn nhất là trục vớt những ghe, tàu lớn chở cát, đá hơn trăm tấn vì ghe nặng nên chìm sâu và bám chặt đáy sông. Ông phải vác từng cần xé (đồ đựng bằng mây tre) để đổ vật liệu ra khỏi ghe, rồi mới từ từ nâng ghe lên, có khi phải ở dưới nước 3-4 tiếng đồng hồ. 

 Làm nghề này phải có cái tâm, không lấy tài sản của người gặp nạn, vậy mới mong sống được với nghề” - Ông Hồ Văn Tân.

“Cách để lặn sâu là nhờ neo với dây thừng, một đầu dây thừng buộc vào ghe nổi trên mặt nước, một đầu buộc vào neo cứ thế bỏ neo xuống sông, lần theo dây neo sẽ dễ tiếp xúc với vật bị chìm. Tiếp đến, xúc đá, cát vào cần xé rồi vác lên vai, dùng chân đạp mạnh lên be chiếc ghe hoặc tàu để đưa vật liệu ra ngoài” – ông Tân chia sẻ kinh nghiệm. 

“Sau đó, dùng những chiếc thùng phuy đổ nước đầy thùng, thả chìm xuống đáy; tiếp đó cho thùng phuy vào khoang ghe rồi rút nước trong phuy ra, bơm không khí từ ống thở của mình vào thùng phuy để kéo chiếc ghe lên khỏi mặt nước”, ông Tân tính toán: Với những chiếc ghe khoảng 80-90 tấn cần khoảng 20 thùng phuy để nâng ghe lên mặt nước. Mỗi năm ông vớt cỡ 40 chục chiếc ghe đủ kích cỡ.

Cách đây vài tháng ông nhận trục vớt một chiếc ghe trọng tải 120 tấn, chở 31.000 tấm tole bằng xi măng, trục vớt trong 1 tuần mới xong. “Làm nghề này phải có cái tâm, không lấy tài sản của người gặp nạn, vậy mới mong sống được với nghề” - ông kể.

Hiện ông có một gia đình hạnh phúc. Ông và vợ - bà Nguyễn Thị Hạnh có một con gái là Hồ Thị Cẩm Thu, 15 tuổi, đang học lớp ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).  Thu học giỏi và rất ngoan.