Buổi tối bên bếp lửa bập bùng, sáng mai ra trên lưng trâu là thuộc được một sử thi. Sử thi dài nhất tôi hát kể khoảng 7 ngày, 7 đêm. Ngắn cũng 2 ngày, 2 đêm''.
Sắc màu huyền thoại
Thác Đ’ray Sáp là một thác nước trên dòng sông Serepok. Thác Đ’ray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng; cách đó không xa là thác Đray Nur (hay thác Vợ) thuộc địa phận tỉnh Đăk Lăk. Trên Quốc lộ 14, đoạn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30km là thị trấn Ea Tling, (Cư Jút, Đăk Nông). Từ đây rẽ theo con đường trải nhựa dài 6km, chạy quanh co vòng vèo giữa một bên là đồi núi trập trùng rợp bóng cây xanh, một bên là vực sâu với dòng sông Serepok uốn khúc, du khách sẽ đến thác Đ'ray Sáp hùng vĩ ở xã Đăk Sor, huyện Krông Nô, nay thuộc tỉnh Đăk Nông.
Đ’ray Sáp là một hệ thống gồm 3 thác vô cùng ngoạn mục. Dòng sông Serepok từ thượng nguồn đổ xuống tới đây lại chia làm ba tầng. Trước đây du khách thường chỉ đến thác đầu tiên sau khi xuống được các bậc cấp đá. Vào mùa mưa, nước đổ dữ dội, bụi nước bắn tung lên lan rộng cả một vùng đến ngàn mét vuông.
Ngoài Đ’ray Sáp còn có 2 thác nữa nằm bên kia dòng đổ của thác chính. Khi qua khỏi cầu treo du khách sẽ đến một vùng đất cao thoáng đãng. Đây là một đảo nằm giữa 2 dòng thác của hệ thống Đ’ray Sáp. Đó là thác Đ’ray Nu (thác Hầm), cao chừng 12m, gồm 2 dòng nước đổ giữa cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng giữa chốn đại ngàn. Cách thác Đ’ray Nu chừng 100m là thác lớn, cũng thuộc hệ thống Đ’ray Sáp. Thác này cũng có độ cao 12m nhưng rộng đến 140m luôn tung bụi nước mịn như sương khói.
Độc đáo kiến trúc nhà mồ
Từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông dọc Quốc lộ 14 hướng đi thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk khoảng 28km, rẽ trái khoảng 12km nữa bạn sẽ đến làng văn hóa đồng bào dân tộc Mnông, một trong những làng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc biệt là các tác phẩm sử thi, trường ca...
Làng văn hóa đồng bào Mnông có khoảng 1.500 hộ dân, trong đó bon Bu Prâng là bon tiêu biểu còn lưu giữ được hơn 200 pho sử thi Mnông - Ot Nrong có tính hệ thống cao và có giá trị nhân văn lớn (bộ sử thi phổ hệ). Trong bon Bu Prâng, 2 nghệ nhân Điểu K'lung và Điểu K'lứt vẫn đang nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và lưu giữ hàng trăm bộ sử thi Ot Nrong của vùng này. Cách thể hiện các bài Ot Nrong là hát, hát trong lúc lên rẫy, hát bên bếp lửa hồng, trong các ngày lễ hội, mọi người cùng quây quần bên ché rượu cần cùng với tiếng chiêng rộn rã...
Đến thăm bon Bu Prâng, du khách không thể không ghé thăm khu nhà mồ của đồng bào Mnông. Đây là một trong những nét kiến trúc truyền thống, văn hoá tín ngưỡng của đồng bào trong quá trình hình thành và phát triển. Nhà mồ là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa thể hiện qua các mô típ, dáng dấp riêng của từng dân tộc. Kiến trúc nhà mồ mang tính đặc trưng ở nghệ thuật trang trí, hình tượng, văn hoa chạm trổ khá công phu trên chất liệu gỗ, đến kiến trúc nhà mang hình khối có trang trí các búp sen bằng chất liệu kết dính theo văn hóa Tây Nguyên.
Ngoài ra, các lễ hội trong buôn thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm với các hoạt động: lễ mừng được mùa, lễ cúng sức khoẻ cho người, lễ cúng sức khoẻ cho voi, lễ hội ăn trâu, lễ cơm mới...