Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sẽ chỉ còn một nửa số ngân hàng thương mại. Hiện Việt Nam có trên 30 ngân hàng thương mại nội địa và sẽ chỉ còn 14-17 ngân hàng mà thôi.
Nếu đúng thế, thì đây là một dấu hiệu về tái cấu trúc mạnh mẽ ngành ngân hàng. Tuy nhiên, hãy nhìn lại lịch sử của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam để thấy chúng ta đã “tái cơ cấu” ngược xuôi rồi và đôi khi “tái cơ cấu” gây ra khá nhiều vấn đề.
Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ra đời (theo giấy phép ngày 8.6.1991) là Ngân hàng Hàng hải với các cổ đông chính là các doanh nghiệp nhà nước. Rồi sau đó là một loạt ngân hàng cổ phần tư nhân mới ra đời như Ngân hàng Á châu, VPBank (1993), một loạt các hợp tác xã tín dụng đổ bể đã bị dẹp hoặc tổ chức lại theo hình thức ngân hàng cổ phần. Có thể gọi giai đoạn 1990-1994 là đợt “tái cơ cấu” đầu tiên. Sau đợt tái cơ cấu tích cực này hoạt động ngân hàng thương mại được cải thiện, số ngân hàng thương mại cũng lên đến khoảng 30 (25 ngân hàng thương mại tư nhân), nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu bất ổn.
Cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998 đã làm cho những yếu kém của hệ thống ngân hàng bộc lộ. Một loạt ngân hàng thương mại cổ phần bị xóa sổ như Ngân hàng Việt Hoa, Ngân hàng Thái Bình Dương, hoặc được tái cơ cấu như VPBank hoặc chờ xóa sổ như Ngân hàng cổ phần Hải Phòng, Ngân hàng Gia Định, Ngân hàng Vũng Tàu. Giai đoạn 1997-1999 là đợt tái cơ cấu thứ 2. Số ngân hàng thương mại tư nhân còn hoạt động đã giảm xuống 20 vào năm 1999 và giữ nguyên đến 2002.
Tuy vậy từ 2003 và nhất là từ 2006 đã có một đợt “tái cơ cấu” thứ ba theo chiều ngược lại với số ngân hàng thương mại tư nhân mới hoặc được nâng cấp từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị với quy mô hoạt động toàn quốc hoặc cho “tái sinh” các ngân hàng chờ xóa sổ trước kia. Đến 2008 đã có tổng cộng 35 ngân hàng thương mại tư nhân hoạt động! Tổng số vốn đăng ký của các ngân hàng này vào tháng 5.2008 đã là 52,778 tỷ VND (tăng gấp 30 lần so với vốn đăng ký năm 1998!).
Nghị định 141 ngày 22.11.2006 quy định các ngân hàng phải tăng vốn quá nhanh trong thời gian quá ngắn. Và đến 15.6.2012 vốn đăng ký của các ngân hàng thương mại tư nhân đã nhảy lên 167.238,8 tỷ VND (tăng 45 lần so với 1998!). Đấy là nguyên nhân chính gây ra sở hữu chéo, vốn ảo và những bất ổn hiện nay của hệ thống ngân hàng. Gốc của nó là quyết định cho các ngân hàng mới hoạt động và bắt chúng tăng vốn quá nhanh từ 2006. Các đời thống đốc sau đó và hiện nay thực sự đã phải vất vả hốt đống rác này. Có thể nói đợt “tái cơ cấu” thứ ba này thực sự là tai họa.
Bây giờ số ngân hàng thương mại còn hoạt động là hơn 30 và theo thống đốc sẽ chỉ còn 14-17. Nếu làm được thế trong vài năm thì sẽ là đợt tái cơ cấu thứ tư theo hướng tích cực. Thế nhưng hãy học từ các đợt “tái cơ cấu” quá khứ! Hãy học lịch sử để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai.