Dân Việt

Sâu lắng hồn Việt ở Košice (Slovakia)

Lê Chiên 02/09/2014 07:12 GMT+7
Đã trở thành thông lệ, cứ vào dịp 2.9, Hội Người Việt tại Košice (Slovakia)  lại tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao chào mừng Quốc khánh. 2.9 đã trở thành ngày hội của người Việt tại nơi đây...

Košice là thành phố lớn thứ hai của Slovakia, là trung tâm kinh tế và văn hóa của miền đông Slovakia. Nơi đây có rất nhiều học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân… người Việt sang học tập, công tác từ khi còn là Tiệp Khắc (cũ). Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng hàng năm, Quốc khánh 2.9 vẫn được những người Việt ở Košice tổ chức kỷ niệm - như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Những người “giữ lửa”

Ông Nguyễn Hữu Ấn - Chủ tịch CLB Người lớn tuổi ở Košice cho biết, lễ kỷ niệm Quốc khánh 2.9 đã trở thành hoạt động thường niên của người Việt tại Kosice. Khác với trong nước là mọi sự chuẩn bị đã có chính quyền và các tổ chức đoàn thể lo, có sự chỉ đạo hành chính từ trên xuống dưới, còn ở đây Hội Người Việt không kinh phí, không có sự ràng buộc… nhưng vẫn tổ chức long trọng, hoành tráng, bà con người Việt ai cũng háo hức đón chờ, có người cách xa hàng trăm km không quản đường xa, bỏ cả công việc về tụ hội.

“Những ngày này, chúng tôi bận lắm, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ Nữ, Hội Người lớn tuổi… cùng xúm tay vào lo. Bà con gửi gắm ở mình, nên phải tổ chức cho chu đáo, để không những mọi người được vui vẻ, mà còn phải tạo được dấu ấn cho các cháu thế hệ sau tự hào về truyền thống của dân tộc mình, và cũng để quảng bá nâng cao vị thế của người Việt với người bản xứ” - ông Ấn chia sẻ.

Vợ ông Ấn là tiến sĩ Trần Thúy Mùi - cựu nghiên cứu sinh, một trong những người sáng lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại Košice, tâm sự: “Tuổi càng cao, càng nhớ quê hương, đất nước, càng thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn với con cháu. Bởi vậy mỗi khi có công to việc lớn vợ chồng mình lại xông vào cuộc. Kỷ niệm Quốc khánh 2.9 là dịp tốt để bà con người Việt được gặp gỡ nhau, để các cháu luôn nhớ về gốc gác, nguồn cội của mình, biết về truyền thống dân tộc...”.

Khó khăn nhưng vẫn phải làm long trọng

Ngay đầu tháng 8, các hội đoàn đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho lễ 2.9. Hội Phụ nữ lo hậu cần, văn nghệ; Đoàn Thanh niên lo các hoạt động thể thao, sân bãi, đến từng gia đình phổ biến về kế hoạch lễ hội... “Ban ngày, mọi người đi làm, nên bọn mình toàn đi vào buổi tối. Ở đây cuối tháng 8 thì 4-5 giờ chiều trời đã bắt đầu lạnh, âm u, bước chân ra cửa là ngại, nhất là với người tuổi cao như mình và anh Ấn. Vậy mà khi gặp anh em, người Việt nói dăm ba câu chuyện là quên hết mọi lo ngại… Bà con mỗi người một hoàn cảnh, nhưng khi nói về tổ chức Quốc khánh thì ai cũng ủng hộ, khiến chúng tôi cũng thấy ấm lòng”.



Tiến sĩ Trần Thúy Mùi 
 Bà con mỗi người một hoàn cảnh, nhưng  khi nói về tổ chức Quốc khánh thì ai cũng ủng hộ, khiến chúng tôi cũng thấy ấm lòng.

 
Bà Mùi xúc động kể, nhiều chị suốt ngày ngồi chợ, cuộc sống rất khó khăn, chúng tôi chỉ có ý mời dự liên hoan thôi, nhưng nằng nặc yêu cầu được đóng góp. Lúc ấy tôi, chỉ muốn rơi nước mắt. Và mỗi khi nghe lời khai mạc “… Ngày 2.9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…” cả hội trường im phăng phắc, trong tôi một cảm xúc trào dâng, nhớ về Hà Nội – nơi đã gắn bó với tôi nửa cuộc đời...

 

Tiến sĩ Nguyễn Đồng Hải – Bí thư chi bộ Košice nhưng gia đình lại ở Batislava (thủ đô Slovakia), nên khi Košice tổ chức lễ hội, lại phải vượt hơn 400km đến Košice để cùng mọi người lo công việc. Anh Hải tâm sự, mọi việc chủ yếu là do anh em ở đó làm, mình cũng chỉ tham gia được một phần thôi. Được cái bà xã mình thông cảm, ủng hộ, có khi còn hăng hái hơn mình…

Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2.9 mọi năm, ông Ấn cho biết, bên cạnh lễ chính còn có văn nghệ, bóng đá, bóng bàn, cờ vua, kéo co… Nhưng năm nay bà con mình làm ăn khó khăn, trong khi hội trường, sân bãi giá thuê lại tăng lên gấp đôi, nên lễ 2.9 chỉ tổ chức giao hữu bóng đá và một số trò chơi dân gian, liên hoan với nhau bữa cơm... “Nhưng dù sao nghi lễ vẫn phải long trọng anh ạ - ông Ấn tâm sự.