“Vua bánh kẹo” thua nhà nghèo
Bên cạnh Tết, Trung thu là giai đoạn thu hoạch của Công ty Cổ phần Kinh Đô. Vì vậy, thời điểm trước Trung thu, cổ phiếu KDC nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư. Sự quan tâm này luôn khiến cổ phiếu KDC tăng mạnh.
Tuần này, KDC ghi tên mình vào danh sách các blue-chip có tốc độ đi lên mạnh nhất. Sau 5 phiên giao dịch, KDC tăng 7.000 đồng/CP, tương ứng 10,37% lên 74.500 đồng/CP. Đà tăng này của KDC “thổi” vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Kinh Đô lên 15.841,38 tỷ đồng sau khi tăng 1.488,45 tỷ đồng.
Ông chủ của KDC là những người được hưởng lợi nhiều nhất nhờ đà tăng này. Cụ thể, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị KDC có thêm 122,77 tỷ đồng. Ông Thành đang đứng trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Trần Lệ Nguyên, em trai ông Thành, người đang nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô cũng kiếm được gần 100 tỷ đồng từ KDC. Sau 1 tuần, ông Nguyên “đút túi” 97,9 tỷ đồng. Tài sản của ông Nguyên đang có xu hướng tăng khá mạnh.
Ông Trần Kịm Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Đô.
Tuy nhiên, hai anh em đại gia họ Trần kiếm được nhiều tiền chủ yếu là do sở hữu lượng cổ phiếu lớn chứ không phải do cổ phiếu có tốc độ tăng mạnh. So với tốc độ tăng, KDC còn đứng sau KSH, cổ phiếu nhỏ trong ngành khoáng sản.
Tuần qua, KSH liên tiếp tăng trần. Sau 5 phiên giao dịch, KSH tăng 3.600 đồng/CP, tương ứng 37,9%. Tính tới 29.8, chuỗi ngày tăng trần của KSH đã lên tới 12 phiên, tương ứng với đà tăng 6.900 đồng/CP (111,29%).
KSH tăng mạnh giúp vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Hamico tăng 42,08 tỷ đồng. Điều đáng nói, KSH có chuỗi phiên tăng trần dài dằng dặc dù không có thông tin hỗ trợ. Thậm chí, KSH đang phải đối mặt với thông tin kém lạc quan.
Cụ thể, trong phiên họp diễn ngày 26.8, Hội đồng quản trị đã thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Tiến Dũng khỏi chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Vũ Minh Thành khỏi chức vụ Tổng giám đốc.
Đại gia kiếm bộn
Mặc dù thông tin SCIC Investment lên kế hoạch thoái vốn khỏi FPT được thông báo trong tuần nhưng cổ phiếu FPT vẫn tăng khá mạnh. Sau 5 phiên, FPT tăng 5.500 đồng/CP lên 57.500 đồng/CP. FPT “tặng” cho 2 sếp lớn của FPT “món quà” không hề nhỏ.
Cụ thể, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT có thêm 107,65 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán. Ông Bình đang tiến sát Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên tới 1.135,28 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT “được tặng” hơn 55 tỷ đồng.
Chuỗi ngày tăng trần của MPC đã chấm dứt không có nghĩa MPC quay đầu suy giảm. Tuần qua, MPC vẫn duy trì được đà đi lên khi tăng 1.500 đồng/CP. Nhờ MPC, bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú “đút túi” 26,21 tỷ đồng.
Gia đình bà Bình còn hưởng lợi nhiều hơn từ MPC nếu tính cả số cổ phiếu MPC do ông Lê Văn Quang, chồng bà Bình, người đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Tuần này, ông Quang có thêm 23,94 tỷ đồng.
Sau 5 phiên giao dịch, KBC có đến 3 phiên tăng trần. Vì vậy, phiên giảm giá ngày 28/8 của KBC không gây áp lực nhiều cho ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Ngược lại, KBC giúp ông Tâm kiếm bộn khi tăng 2.700 đồng/CP.
KBC giúp ông Tâm giàu thêm khi đút túi 273,38 tỷ đồng. Tài sản của ông Tâm đang tăng mạnh nên ông Tâm đã lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, ông Tâm đứng ngay sau ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương.
Trong khi đó, đà đi lùi của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương đang được hạn chế hơn khi tuần này, HVG tăng 700 đồng/CP lên 22.400 đồng/CP. HVG “thổi” 30,55 tỷ đồng vào tài khoản của ông Minh.