Hai phiến quân Hồi giáo nhận trả lời phỏng vấn với CNN qua Skype. Ảnh: CNN |
Tại căn cứ phía bắc Syria, hai người này ngồi xuống và chỉnh lại khăn trùm mặt cẩn thận. Một khẩu AK-47 được đặt giữa họ một cách chủ tâm.
Abu Bakr không tiết lộ mình đến từ đâu nhưng Abu Anwar nói anh ta là người gốc Anh. "Tôi đến từ miền nam nước Anh. Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu. Cuộc sống lúc đó nhàn nhã. Tôi có một cuộc sống, có một chiếc xe hơi. Nhưng vấn đề là: bạn không thể thực hiện lý tưởng của đạo Hồi ở đó".
"Chúng tôi thấy tất cả xung quanh là điều xấu. Chúng tôi thấy những kẻ xâm hại trẻ em. Chúng tôi thấy tình dục đồng giới. Thấy tội ác.Và chúng tôi không thể làm gì vì chúng tôi phải tuân theo luật lệ của những người không theo đạo Hồi", Abu Anwar nói thêm.
Ban đầu, Abu Bakr và Abu Anwar đến Syria để gia nhập đội quân chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al Assad, nhưng hiện giờ họ tin rằng việc thiết lập vương quốc Hồi giáo là mục tiêu quan trọng hơn.
Khi được hỏi muốn nhắn nhủ gì tới bạn bè ở quê nhà, Abu Anwar nói anh ta muốn kêu gọi họ gia nhập phiến quân. "Hãy rời khỏi vùng đất bội tín và đến vùng đất của đạo Hồi. Chúng tôi có một Nhà nước Hồi giáo tại Raqqa. Tôi kêu gọi tất cả những bạn bè theo đạo Hồi hãy thực hiện chuyến đi linh thiêng tới các nước theo đạo Hồi này".
Khi được hỏi về đoạn video hành quyết nhà báo Mỹ James Foley mới đây, Abu Anwar cho biết anh ta xem ở căn cứ cùng các phiến quân khác, "Cảm giác đầu tiên của tôi là việc hành hình Foley là lời đáp trả trực tiếp với những tội ác mà Mỹ thực hiện, chống lại Nhà nước Hồi giáo".
Abu Bakar cho biết: "Chúng tôi nghĩ Nhà nước Hồi giáo thực sự không có sự lựa chọn nào khác. Mỹ có công nghệ nhưng không có nghĩa là họ có thể yêu cầu bất kỳ nước nào (làm gì) và đánh bom bất kỳ nơi nào họ muốn và kiên quyết thực hiện mọi mục tiêu của mình. Nhà nước Hồi giáo cố gắng đàm phán để trao đổi tù binh, đàm phán để đổi lấy tiền chuộc nhưng rồi Mỹ quá kiêu ngạo như bạn thấy đấy. Chúng tôi nghĩ điều đó (hành quyết Foley) là xác đáng và chúng tôi nghĩ James đã tự nói rằng với mình rằng kẻ thực sự giết anh ta chính là Mỹ".
Phiến quân Hồi giáo từng yêu cầu Mỹ thả Aafia Siddique, tiến sĩ thần kinh học người Pakistan, đang thụ án 86 năm tù. Siddique bị kết tội năm 2010 vì bắn các nhân viên Mỹ khi bị canh giữ ở Afghanistan. Abu Bakr và Abu Anwar còn nói tới các tù nhân nữ khác bị Mỹ giam giữ, bị đối xử như những tù nhân nam. Hai người đồng tình rằng điều đó hoàn toàn bất công.
Theo Abu Anwar, việc cắt cổ kẻ thù là cách hành quyết của đạo Hồi, các chiến binh rất vui lòng thực hiện điều đó để làm "hài lòng" Thánh Allah. "Tôi muốn gặp Thánh Allah và nói về những điều tôi đã làm cho tôn giáo của ông. Tôi hy vọng Thánh Allah sẽ cho tôi cơ hội làm điều mà người anh em của chúng tôi đã làm với Foley. Không phải Foley thì là lính khác của Mỹ hoặc của Bashar Al Assad. Đôi tay tôi sẵn sàng thực hiện hành động thiêng liêng này".
Khi phóng viên CNN đề cập việc Al Qaeda cũng phải lên án hành động hung ác của Nhà nước Hồi giáo tự xưng, hai phiến quân giải thích đó là "sự khác biệt về chiến thuật". Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà đạo Hồi cho phép. Cuộc trò chuyện cho thấy Abu Bakr và Abu Anwar sẵn sàng chiến đấu đến cùng ở Syria, theo cái mà họ gọi là "Sứ mệnh tử vì đạo".
Trước câu hỏi "mẹ anh sẽ nói gì", Abu Anwar im lặng. Anh ta sau đó nói gia đình mình đã từ bỏ hy vọng cố gắng đưa anh ta trở về.
"Không, họ không yêu cầu tôi về nhà nữa. Ban đầu họ nói điều đó nhưng giờ họ biết tôi sẽ không về. Vì thế, không cần phải phí hoài công sức. Họ hiểu rằng tôi không về và họ biết họ sẽ không thấy lại tôi trong cuộc đời này nữa".