Dân Việt

“Có nhà băng đấu giá phát mại tài sản 7 lần không xong”

31/08/2014 07:35 GMT+7
 Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VAMC cho biết, thực tế 8 tháng đầu năm 2014 tốc độ mua nợ xấu của VAMC có giảm, nhưng VAMC mua nợ xấu theo lộ trình và theo kế hoạch của các tổ chức tín dụng (TCTD).

img

Tổng dư nợ gốc VAMC đã mua 58.937 tỷ đồng nợ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết: Kể từ khi thành lập VAMC đến ngày 28.8 đã có 35 TCTD bán nợ cho VAMC với 2.057 khách hàng, 3.536 khoản nợ. Theo đó, tổng dư nợ gốc VAMC đã mua 58.937 tỷ đồng nợ xấu, với tổng giá mua là 48.976 tỷ đồng và đã phát hành 42.966 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua được 19.630 tỷ đồng nợ xấu, với giá mua 16.237 tỷ đồng của 35 TCTD.

Trước ý kiến cho rằng hoạt động của VAMC chưa hiệu quả, lãnh đạo đơn vị này khẳng định việc mua nợ đang theo đúng lộ trình. “Tôi cho rằng, đây là bước đầu thành công trong quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, ngay từ đầu Thống đốc đã phát biểu VAMC không phải là cây đũa thần nhưng vai trò của VAMC là công cụ xử lý nợ xấu”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Theo thừa nhận của ông Hùng, thực tế 8 tháng đầu năm nay, tốc độ mua nợ xấu của VAMC có giảm, nhưng VAMC mua nợ xấu theo lộ trình và theo kế hoạch của các TCTD. Dự kiến, đến cuối năm VAMC có thể mua được 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Chia sẻ thêm về VAMC, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay: “VAMC là công cụ xử lý nợ xấu phù hợp trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Nhiều nước trên thế giới dành ngân sách rất lớn để xử lý nợ xấu, có nơi lên đến 15-20% GDP. Nhưng tại Việt Nam, ngân sách còn khó khăn, cơ chế xử lý còn nhiều điểm bất cập. Do đó, xử lý nợ xấu thông qua VAMC là cách thức mới, hợp lý khi không có tiền”.

Tính đến cuối tháng 6.2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5.2014 và mức 3,61% cuối năm 2013. Về việc nợ xấu gia tăng, bà Hồng cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, cho nên tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, dẫn đến số nợ xấu tăng lên, trong khi khả năng tín dụng mở rộng còn hạn chế do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế.

Ngoài ra, Thông tư 09 về phân loại theo chuẩn mới cũng khiến các tổ chức tín dụng phải gọi đúng tên các khoản nợ xấu.

Còn theo ông Hùng, đến giờ phút này, phần lớn các TCTD bán nợ theo kế hoạch và thời gian tới, các TCTD rà soát đánh giá (kể cả việc thực hiện Thông tư 09) sẽ bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, VAMC cũng phải xem xét, khoản nợ đó đủ điều kiện thì mới mua.

Cũng theo số liệu từ VAMC, tổng số nợ thu hồi được cho đến nay là 1.253 tỷ đồng, trong đó số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay là 1.108 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Hùng cho biết, VAMC không phải chỉ mua nợ xấu để rồi bán, mà còn mua nợ để xem xét phân tích, rà soát, đánh giá các khoản nợ. Đơn vị nào có khả năng sản xuất kinh doanh để trả nợ sẽ tiến hành điều chỉnh lãi suất hợp lý hoặc xem xét tiếp tục cho vay vốn để tìm nguồn tiền trả nợ. Với doanh nghiệp có khả năng “chết hẳn”, công ty sẽ tiến hành xử lý ngay. Vì càng để nợ xấu lâu thì càng thiệt hại về tài chính nên VAMC hỗ trợ tiến hành xử lý phát mại tài sản.

“Có chuyên gia đánh giá rằng đây chỉ là mua thời gian, nhưng theo tôi là mua thời gian nhưng có hiệu quả. Ít nhất trong lúc khó khăn này cần chia sẻ việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Thông tin từ đại diện VAMC cũng cho biết: Đến nay, VAMC đã phát mại tài sản thông qua đấu giá nhưng có những tài sản đấu giá đến lần thứ 3 không thành công, còn ủy quyền cho TCTD đấu giá thì có TCTD đấu giá tới lần thứ 5 và thứ 7 vẫn không thành công. Tất nhiên, do thị trường khó khăn nên kể cả giá phát mại tài sản có thể thấp hơn nhưng vẫn chưa bán được.