Dân Việt

Bà lang Mường với biệt tài hái lá thuốc nam trị bệnh

Minh Phượng 01/09/2014 09:33 GMT+7
Trong vùng khi nhắc đến mế Bùi Thị Íp (66 tuổi) ở bản Nghẹ, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), hầu như ai cũng biết. Bởi mế có biệt tài hái được hàng trăm lá thuốc nam chữa bệnh cứu người.
Bài thuốc lá nam truyền đời

Hàng ngày, người dân vùng núi của xã Thành Minh vẫn thường bắt gặp mế Íp lụi hụi cuốc rễ cây một mình ở ven đồi, hoặc hái lá rừng cùng nhùng nhằng các cuộn dây mang về phơi khô để chữa bệnh cứu người.

Sinh ra trong một gia đình có 3 đời làm nghề lang y. Ngay từ nhỏ mế đã được theo mẹ lên núi hái thảo dược, vì vậy mà dây rừng, lá cây luôn là những bài thuốc quý.

img Bà lang Bùi Thị Íp giới thiệu loại lá Kim ngân đặc trị bệnh sởi.

 

Lớn lên mế đã lĩnh hội được đầy đủ các bài thuốc của tổ tiên. Bước chân thoăn thoắt của mế giống như một “người rừng”. Mế tâm sự: “Thảo dược giờ khó kiếm lắm chú à, rừng già bị tàn phá để trồng keo, cao su…, không còn chỗ cho các loài thảo dược quý như ngày xưa nữa. Ai mắc bệnh tôi lại phải đeo gùi vào sâu trong rừng mới hái đủ dược liệu được”.

Nhiều năm trước, người dân chủ yếu mắc bệnh đậu mùa, bệnh sởi, thủy đậu... Mế lo nhất là dịch sởi, dịch đậu mùa bùng phát. “Vào mùa sởi, có hôm tôi phải sắc thuốc liên tù tì từ sáng đến tối mà không kịp. Thời kỳ trước làm gì có bệnh viện hiện đại như bây giờ à chú, tất cả đều dùng lá thuốc nam. Thậm chí nhiều cháu bị biến chứng khiến cho đậu mùa chạy cả vào ruột, nhưng chỉ cần lấy thuốc của tôi là đứa nào cũng lành lặn, đẹn, sài sạch bóng”.    
 
Trò chuyện được một lúc mế chạy vào buồng lấy thẻ hội viên của Hội Đông y Việt Nam ra khoe với chúng tôi: “Năm ngoái tôi đi họp Hội Đông y trên xã, cán bộ họ bảo tôi chữa được nhiều bệnh nên cấp cho cái thẻ này. Chủ tịch hội Đông y còn tặng cả giấy khen, ngẫm cũng vui chú à vì mình đã làm được việc tốt để chữa bệnh cho bà con dân bản”.
img Bà Íp khoe thẻ hội viên của Hội Đông y Việt Nam.

Hầu như xung quanh ngôi nhà, chỗ nào cũng có cây thuốc được mế cất công sưu tầm. Theo mế, phải trồng nhiều cây thảo dược quý cho tiện hái lá. Mế lo nhất là người dân chẳng may đi nương, rẫy bị rắn rết cắn, nếu không kịp sử lý thì nó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng ngay tức khắc.   

Một số lá thuốc nam đặc trị

Theo lời mế kể: thông thường người bị rắn độc cắn, độc tố của nó phát tán rất nhanh và mạnh. Gặp những trường hợp như vậy mế chỉ cần lấy cây xương rồng cộng với hạt “đồng mảng mắt bò” (Cây này thường mọc ở bờ suối), ngoài ra cần phải có lá xả, dây “đô cùn” (dây đô cùn thường leo ở bờ rào) mang về dã ra lấy nước uống còn bã đắp lên vết thương. “Mới đây có anh Quách Công Triều người ở bản Sồi bị rắn cạp nia cắn gãy cả răng nanh vào bắp chân, may lấy thuốc nam của tôi nên giờ đã khỏi hẳn rồi đấy" - Mế Íp nói.
img Lá “củ phanh” dùng để chữa bệnh đau lưng.

Nói xong, mế ra vườn hái một nhành thảo dược đem vào nhà và bảo: “Đây là cây cà điên (đỏ), quả có tác dụng chưa sâu răng cự kỳ tốt, ngoài ra nó còn trị được bệnh viêm xoang lâu năm” Theo mế, trị phong gió khó nhất là “gió chuột” vì nó chạy khắp toàn thân. Để chữa phong gió bắt buộc phải lấy bằng được “lá đán” (Loại cây thường mọc trên núi đá). Trước đây mế đã chữa cho ông Quách Công Cộng người ở bản Bất Mê bị gió giật méo mồm không ăn được cơm, khi lấy thuốc sắc uống thì ông Cộng đã khỏi hẳn.

Cũng theo mế, để trị được bệnh sởi, bệnh đậu mùa phải dùng lá Kim ngân, bóp lưng thì dùng lá “củ phanh” (là loại cây thân mềm có lá rất to). Bệnh đau thận thì dùng lá dứa rừng… Mế có thể lấy được hàng trăm hàng nghìn thứ là.

Chữa bệnh bằng cái tâm của nghề

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng mế không ngừng sáng tạo trong việc chữa bệnh giúp bà con dân bản. Mế Íp bùi ngùi: “Mỗi lần chữa khỏi bệnh cho một người là niềm vui của tôi lại nhân lên gấp bội, bởi vì mình làm được một việc có ích cho xã hội”. Mế Íp sinh được hai người con trai, nghề hái thuốc lá nam lại chỉ truyền cho con gái. “Giờ tôi già rồi, nay mai chết đi không biết có ai nuối nghiệp được nữa hay không. Trong nhà chỉ có một đứa cháu gái, đi đâu tôi cũng hay cho nó đi theo để phụ giúp”.

Mặc dù đã chữa cho hàng trăm người khỏi bệnh nan y, nhưng mế không màng ơn huệ, và cũng không coi đây là nghề mưu sinh. “Với tôi,  ai thành tâm chỉ cần mua chai rượu, gói bánh đến nhà hỏi thăm sức khỏe là tôi vui lắm rồi”.

Trao đổi cùng (trưởng thôn Nghẹn) ông Bùi Văn Đặng cho biết: “Bà Íp là một người tâm huyết. Việc chữa bệnh bằng lá nam được bà con trong bản rất tin tưởng. Không những thế bà Íp còn chia sẻ các bài thuốc cho người dân tự hái và điều trị”.