Sau 8 năm phát hành tiền xu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vừa chính thức công bố sau khi được phép của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ dừng phát hành thêm tiền xu mới. Đồng thời, NHNN sẽ nghiên cứu giải pháp thích hợp đối với việc lưu thông tiền kim loại trong thời gian tới.
Tiền kim loại bắt đầu đi vào lưu thông từ cuối năm 2003 với mục đích tạo tiền đề cho phát triển các hình thức thanh toán tự động. Nhưng vì nhiều lý do, cả chủ quan lần khách quan mà đến nay nó hầu như không còn vị trí trong lưu thông. Tính đến thời điểm này khi hệ thống thanh toán tự động vẫn chưa được tạo dựng thì tiền xu chính thức rơi vào trạng thái “chết yểu”.
Việc sử dụng tiền xu trong thời gian qua không được người dân thực sự quan tâm. |
Yếu thế vì mệnh giá nhỏ!
Ông Nguyễn Trí Hiếu - thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ABBank, phân tích: Tiền xu không được đón nhận còn vì giá trị quá nhỏ trong bối cảnh lạm phát cao mấy năm gần đây. Nếu như tiếp tục phát hành trong khi dân chúng không hề đón nhận thì NHNN sẽ phải chịu phí.
“Trước đây, tiền xu loại 500 đồng, 200 đồng, 1.000 đồng còn có giá trị để mua mớ rau thơm nhưng giờ đây, tiền đồng đang mất dần giá trị, tiền xu cũng không được coi trọng” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Xung quanh lý do, tiền xu chưa phát huy hiệu quả do hệ thống bán lẻ tự động chưa phát triển, ông Hiếu cho rằng, đúng nhưng chưa đủ. Tại nước Mỹ, đồng 1 USD được sử dụng rất phổ biến. Người dân bỏ 1 USD vào bốt điện thoại để gọi, bỏ vào máy bán hàng tự động để mua nước giải khát. 1 USD có thể làm được nhiều việc. Còn Việt Nam, biết bao xu lẻ mới mua được lon bia? Xu 500 đồng, 1.000 đồng đang bị bỏ quên.
“Giá trị thương mại của tiền xu quá nhỏ, quá ít ỏi trong khi giá hàng hóa thay đổi từng ngày” - ông Hiếu nói. “Tiền kim loại lại cồng kềnh, hình thức, chất lượng cũng chưa thỏa mãn mong đợi của người tiêu dùng là những hạn chế khiến tiền xu bị “từ chối” trong lưu thông” - ông Trí Hiếu nhấn mạnh.
Ở góc độ người tiêu dùng, bà Vũ Lan Hương (39 phố Hồng Mai) cho biết: “Có tiền xu chỉ muốn tiêu đi cho nhanh. Đi mua hàng ở chợ, chẳng người bán hàng nào chịu lấy tiền xu”.
Anh Quốc Huy, một Việt kiều Anh đang làm việc tại Hà Nội cho biết: “Ở nước ngoài tiền xu được dùng rất phổ biến. Thậm chí nhiều dịch vụ dùng tiền xu tiện lợi hơn so với tiền giấy. Tiền xu được tạo không gian lưu thông riêng biệt, nên nó bình đẳng với tiền giấy. Trong khi ở Việt Nam, ngay từ khi được phát hành tiền xu đã không có đất sống.
Thiệt hại vật chất không lớn!
Thời điểm này, mặc dù thông tin dừng phát hành tiền xu đã được đại diện NHNN công bố tại văn bản trả lời thắc mắc, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, tuy nhiên, hầu như chưa có thông tin gì khác xung quanh việc sẽ sử dụng, xử lý ra sao đối với khối lượng tiền xu đã phát hành.
Ông Nguyễn Trí Hiếu
Về câu hỏi xung quanh giải pháp thích hợp để việc sử dụng đồng tiền xu có hiệu quả như đồng tiền giấy, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết:
Cơ quan này đang phối hợp với Viện Hoá học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cơ quan liên quan đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của đồng tiền kim loại.
“Đồng thời, sắp tới NHNN sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp thích hợp đối với việc lưu thông tiền kim loại” - lãnh đạo NHNN cho biết.
Liên quan đến chủ trương dừng phát hành tiền xu, ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho biết: Về chủ trương là sẽ dừng phát hành tiền xu. Tuy nhiên, không ai dám nói sẽ xóa bỏ tiền xu trong lưu thông. Trước mắt, NHNN sẽ thu về và giữ lại trong kho của NHNN.
“Việc dừng phát hành tiền xu và thu về lượng tiền xu đã phát hành có gây tổn thất về vật chất cho nền kinh tế nhưng không lớn. Tôi nhớ khi phát hành chúng ta bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng chi phí. Vấn đề là những tác động tâm lý không hay khi một loại tiền phát hành ra không được xã hội chấp nhận” - ông Kiêm chia sẻ.
Hương Thủy