Sẽ tạo ra nhiều cạnh tranh hơn
Trên thực tế, từ nhiều năm qua để nâng cao năng suất cho cây ngô, hiện Việt Nam đã phần lớn chuyển sang canh tác các giống ngô lai, trong đó có nhiều giống của Viện Nghiên cứu ngô, cùng giống của các doanh nghiệp nước ngoài như Syngenta, Dekalb, CP, DuPon…
Song cũng chưa thấy xuất hiện tình trạng gọi là độc quyền, bởi chính các đơn vị cung ứng giống ngô lai này còn đang phải cạnh tranh với nhau để… chống độc quyền.
Bà Lê Thị Khánh Hoà - Giám đốc Đối ngoại Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: “Đã có một số lo ngại rằng việc giới thiệu công nghệ GM có thể sẽ dẫn tới việc các kỹ thuật công nghệ này sẽ nằm trong tay một số công ty xuyên quốc gia lớn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này không thể xảy ra vì sự cạnh tranh và đầu tư đã nằm ngay trong quy trình phát triển công nghệ BĐG rồi. Hơn nữa, khi mà công nghệ BĐG được tự do thương mại tại Việt Nam, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cạnh tranh hơn”.
Theo bà Hòa, với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, chuyển giao khoa học kỹ thuật trên mọi lĩnh vực là một thực tế và tất yếu của sự phát triển. Do đó, chúng ta đã thấy không có độc quyền trong bất cứ một kỹ thuật công nghệ nào.
Sự phát triển giống ngô lai ở Việt Nam chính là một bằng chứng minh họa cho việc nếu không có đầu tư và chuyển giao công nghệ giống lai cũng như sự hợp tác với các công ty R&D (nghiên cứu và phát triển) quốc tế, thì Việt Nam đã không thể có được thị trường ngô với trên 95% là giống ngô lai như hiện nay, nếu so sánh với chỉ khoảng 10% trong những năm đầu thập kỷ 90.
Đứng ở khía cạnh của một nhà kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho biết: “Cây trồng BĐG thực tế hiện nay đã có rất nhiều nước làm được. Ở nước ta vẫn đang còn 2 luồng ý kiến khác nhau-một bên ủng hộ và một bên phản đối. Vì thế, tôi cho rằng tuỳ thuộc vào chính sách của Chính phủ, của Bộ NNPTNT, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc ứng dụng cây trồng BĐG”.
Về mặt kinh tế, theo quan điểm TS Lê Đăng Doanh, trong lĩnh vực gì cũng đều có các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, có những doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực kinh tế họ có đủ sức mạnh để lấn át đối với các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Tuy nhiên, việc có độc quyền hay không độc quyền còn phụ thuộc vào các nhà quản lý, thực tế mình vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được bởi giống cây trồng không thể như ông “điện, nước” mà có thể độc quyền. “Mặt khác, ngoài cây trồng BĐG vẫn còn giống cây trồng truyền thống để người dân lựa chọn.
Hơn nữa, giống cây trồng BĐG cũng không phải duy nhất một công ty sản xuất được và về lâu dài Việt Nam cũng có thể sản xuất được, bởi chúng ta vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn gene tốt”-TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
Chẳng công ty nào chọn con đường “tự tử”
Thực tế cho thấy, ngay cả khi chưa có giống ngô BĐG, đã có nhiều giống, nhất là rau, củ, quả từ cà rốt, bắp cải, cà chua, khoai tây… chúng ta đã phải nhập khẩu hơn 90%, song sự độc quyền tăng giá vẫn chưa xảy ra. Cũng có lập luận rằng, rau quả không phải mặt hàng to lớn lắm, có thể vẫn là hạng 2 hạng 3 thôi, còn lúa ngô mới là quan trọng.
Nếu chúng ta đã dùng lúa ngô rồi mà nay mai người ta chặn đường, không bán nữa hoặc tăng giá lên thì chúng ta làm thế nào? Người nông dân mình có chui vào cái bẫy của công ty đa quốc gia hay không?
Giải đáp về những câu hỏi trên, PGS-TS Lê Huy Hàm- Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: “Hiện nay có rất nhiều công ty có công nghệ này chứ không phải chỉ một công ty, nếu một công ty này tăng giá, người ta sang công ty khác, công ty nước ngoài tăng giá thì quay về công ty Việt Nam, dùng giống ngô không BĐG”.
Xa hơn, theo ông Hàm, trên thế giới có gần 200 nước, nếu việc độc quyền tăng giá để làm thiệt hại cho người nông dân xảy ra ở một nước, lập tức các nước khác sẽ phản ứng, làm sao họ vào nước khác được nữa? Con đường đó là con đường tự tử của các công ty, tôi không nghĩ rằng các công ty lại chọn con đường “tự tử” như thế!
Đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế thì việc này chưa xảy ra, chúng ta mua rất nhiều hạt giống ngô, lúa lai của nước ngoài, nhưng không xảy ra độc quyền tăng giá.
Cùng chung quan điểm trên, TS Phạm Văn Toản (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, hiện không chỉ có một vài tập đoàn mà nhiều công ty khác làm được và ngay cả các công ty của Việt Nam cũng có thể làm được. Có người cần bán, có người cần mua thì cả 2 bên có điểm chung, theo quy luật cung cầu. Còn chứ nói chỉ cần bán, người ta không mua nữa thì bán cho ai?
Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả trong trường hợp chúng ta chưa sản xuất được cây trồng BĐG, thì chúng ta vẫn có thể chia sẻ hợp tác với các công ty lớn về nguồn gene. Bởi Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn gene các giống cây trồng rất phong phú, việc tạo ra các giống cây trồng BĐG cũng phải dựa trên nền của các nguồn gene đó.