Ngay cả trong giai đoạn được gọi là hòa bình trên quy mô toàn cầu, chi phí quân sự của các nước vẫn đang ở mức rất cao. Theo những con số thống kê có thể còn chưa đầy đủ, trong vòng 13-14 năm qua, ngân sách quân sự của Mỹ, nước đứng đầu thế giới về chỉ số này, đã tăng tới trên 60%, tức là khoảng hơn 260 tỉ USD.
Trung Quốc và Nga đã tăng chi phí quân sự của mình lên khoảng 3 lần trong thời gian đó... Những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng này thuộc về Ấn Độ, Arab Saudi, Iran, Israel, Brazil, Hàn Quốc, Algeria và Anh...
Trước những khoản tiền khổng lồ được ném vào lĩnh vực quân sự như thế, hiển nhiên thị trường vũ khí đã nhộn nhịp càng trở nên nhộn nhịp hơn.
Trong thời gian gần đây, như nhà báo Gianluca Di Feo viết trên tờ L’Expresso, khách hàng sộp nhất của thị trường vũ khí thế giới đang mê mải chạy theo những thiết kế mới nhất của các công cụ sát nhân.
Điều đáng nói là phần lớn những khách hàng sộp đó đều tập trung ở khu vực “rốn dầu” thế giới. Lý do của hiện tượng này rất dễ hiểu: Có lẽ đã lâu lắm rồi khu vực Trung Đông mới phải cùng một lúc gánh chịu nhiều điểm nóng như hiện nay. Dải Gaza đang chìm trong lửa đạn. Chiến sự tiếp diễn căng thẳng ở Syria, Libya, Iraq...
Tuy nhiên, thảm trạng đó dường như lại làm cho các nhà sản xuất bom với độ chính xác cao cảm thấy hào hứng vì số lượng các hợp đồng được ký gia tăng đột biến...
Sau một số năm làm ăn thua lỗ, các tay lái súng chất lượng cao hiện đang vui mừng vì số lượng các cuộc xung đột vũ trang đang gia tăng không ngừng trên quy mô toàn cầu. Và họ thậm chí còn đang uống rượu cầu chúc cho những dự đoán về các hợp đồng mua bán béo bở trở thành sự thật: thị trường của cái gọi là “bom thông minh” (được trang bị kèm theo hệ thống sát thương và dẫn đường) vào năm 2018 sẽ gia tăng gấp đôi.
Tên lửa được dẫn đường bằng laser, bom kèm hệ thống điều khiển bay, pháo có tích hợp GPS: số lượng đơn đặt hàng tăng lên, bất luận giá bán thế nào. Nếu như trong năm 2013, toàn thế giới đã bỏ ra tới 3,6 tỉ USD để bổ sung cho kho dự trữ các loại vũ khí công nghệ cao thì tới năm 2018, con số này sẽ tăng lên 5,3 tỉ USD.
Nhà báo Gianluca Di Feo viết: “Bạn hãy thử đoán xem những hợp đồng béo bở nhất được ký ở đâu? Tất nhiên, ở Trung Đông! Dải Gaza đang bị nhấn chìm trong biển lửa, những phần tử cực đoan thuộc cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant đang tiến lại gần thủ đô Baghdad, Syria đã trở thành một bãi chiến trường, đấu súng trên đường phố đã trở thành chuyện cơm bữa tại Tripoli...
Đó là lý do tại sao các vị tiểu vương của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất lại vội vã lao mình vào các cuộc mua sắm rộn rã trong hai năm qua. Và chi phí dành cho ngân sách quân sự trong khu vực đã tăng thêm 8,3%. Và nếu như năm ngoái số tiền dành cho các loại vũ khí mới nhất đã được chi ở mức 350 triệu USD thì tới năm 2018, con số này sẽ lên tới 712 triệu.
Từ Abu Dhabi đến Amman, từ Riyadh đến Cairo - ai ai cũng chỉ muốn có được những vũ khí tân kỳ nhất. Những dự báo như thế của Công ty Tư vấn Markets & Markets, chuyên về thị trường ở Texas thực sự đã trở thành khúc hoan ca đối với những đôi tai của các nhà sản xuất vũ khí tối tân phương Tây...”.
Trong đội ngũ những quốc gia lái súng hàng đầu thế giới hiện nay có cả những đối thủ chính trị truyền thống của nhau, như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp... Thực tế cho thấy, súng AK và lựu đạn nổ hàng ngày ở các điểm nóng như Aleppo và Mosul, thường có nguồn gốc từ các nhà máy công nghiệp quân sự ở Nga, Trung Quốc và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ...
Tuy nhiên, đối với những ai cần các loại vũ khí có độ chính xác cao, thì sẽ phải tìm tới các công ty Mỹ hay Tây Âu. Chỉ ở đó mới đang đêm ngày cho xuất xưởng các đầu đạn phản lực tầm xa có thể nhằm trúng mục tiêu từ khoảng cách hàng trăm cây số: cho tới năm 2014 này, đây vẫn là mặt hàng khó kiếm và giá trị của các hợp đồng với Trung Đông đã lên đến 23 triệu USD.
Sau 5 năm nữa, trị giá của các bản hợp đồng mua loại đạn đó sẽ lên tới mức 208 triệu USD. Israel, Jordan, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vốn đã quen làm ăn với nước Mỹ từ lâu nhưng hiện nay, Anh và Pháp cũng đang cố gắng để không bị tụt hậu so với chú Sam...
Tuy nhiên, một số hãng sản xuất vũ khí ở phương Tây hiện nay đang hành xử quá ư là phóng túng và cung cấp dịch vụ của họ cho tất cả những ai mong muốn, thậm chí bất chấp cả lệnh cấm vận.
Đành rằng tầm cỡ kỹ thuật của các công ty này không phải là quá hiện đại, nhưng trong danh mục các sản phẩm của họ cũng có rất nhiều loại bom điều khiển từ xa, đầu đạn tự dẫn đường với độ chính xác cao và tên lửa “không đối đất”... Ví dụ, theo nhận định của nhà phân tích Matthew Hedges, các mẫu mới Denel của Nam Phi, Yugoimport của Serbia và Rokestan của Thổ Nhĩ Kỳ, có công nghệ “laisser – faire” (điều khiển từ xa) hiện đang rất được săn lùng trong thế giới Arab...
Các nhà sản xuất trong khu vực dường như cũng đã chuẩn bị trước cho các cuộc chiến tranh, có lẽ vì họ cũng đã thấy trước được nguy cơ can thiệp vũ trang vào những vùng mà hiện nay đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Arab Saudi hiện đang nâng cấp phi đội máy bay ném bom Tornado (do Anh quốc bán cho, mặc dù một phần tư trong số này đã được sản xuất trên đất Italia), mua sắm một số lượng lớn các đầu đạn hạt nhân sát thương ở tầm ngắn Brimstone, các tên lửa hành trình đưa ra không khí Storm Shadow, bom điều khiển từ xa với bộ dẫn đường bằng lazer Paveway...
Các vị tiểu vương của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã đặt mua 4.900 bộ JDAM, nhờ tích hợp hệ thống GPS, có thể biến những quả bom rơi tự do thành loại vũ khí có thể điều khiển được từ xa... Jordan đã mua của người Anh hàng chục tên lửa điều khiển có độ chính xác cao APKWS (chi tiết chính xác Kill Weapon System), chuyển các loại tên lửa thông thường thành hệ thống dẫn đường laser.
Lầu Năm Góc cũng đã mua tới một phần ba số các đầu đạn hạt nhân mới nhất. Dưới triều đại của Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ đang rút dần quân lính ra khỏi các bãi chiến trường, nhưng vẫn tiếp tục gia tăng khả năng quân sự của mình. Và để có được khả năng tiến hành các cuộc can thiệp quân sự từ trên không bằng không quân, Washington đang tích cóp các loại vũ khí có thể tiêu diệt những mục tiêu không lớn lắm từ một khoảng cách an toàn...
Nhà báo Gianluca Di Feo nhận xét: “Các quốc gia thuộc NATO, mặc dù đang cắt giảm các chi tiêu quân sự, vẫn sẵn sàng đầu tư vào sự phát triển các loại vũ khí “thông minh”, có thể giúp tránh những hậu quả không mong muốn và sẽ đóng một vai trò rất lớn trong việc tiến hành cái gọi là “cuộc chiến tranh nhân đạo”. Italia chẳng hạn, đã bắt đầu sản xuất loại bom có độ chính xác cao thuộc lớp SDB (bom đường kính nhỏ), có chứa lượng thuốc nổ và mảnh vỡ ít hơn thông thường.
Chính phủ Canada đã bày tỏ mong muốn mua loại bom này với một tỉ USD. Quyết định đó đã được thông qua sau các cuộc tranh luận về kết quả của các phi vụ quân sự mà binh sĩ Canada đã tiến hành trong khuôn khổ một chiến dịch chống lại chế độ Gaddafi ở Libya.
Khi ấy binh lính Canada đã sử dụng chủ yếu là các quả bom không điều khiển (rơi tự do) và nhiều tổ chức nhân đạo đã lên tiếng đòi hỏi nhưng không được đáp ứng về việc phải nghiên cứu hệ lụy từ những vụ nổ loại bom đó khi được ném xuống các khu vực đô thị.
Đã không có một cuộc điều tra nào được tiến hành nhưng giới chức Canada đã hiểu quá rõ rằng, cần phải sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao hơn trong tiêu diệt các mục tiêu.
Tướng Charles Bouchard, chỉ huy của lực lượng không quân tham gia phối hợp tác chiến trong cuộc tấn công Libya, hai năm trước đây đã nhấn mạnh rằng: “Những hành động kiên quyết không được gây ra những mối lo ngại, ngay cả khi mục tiêu của chúng ta nằm ở phía sau trường mẫu giáo hay bệnh viện. Chúng ta cần phải tấn công được từ xa với sự giảm thiểu các hiệu ứng phụ do sự xáo trộn không khí hay quả bom gây ra...”.
Cách đây không lâu tướng Bouchard đã trở thành chủ tịch chi nhánh của Công ty Mỹ Lockheed tại Canada, tức là từ người đặt hàng mua các loại vũ khí thành người sản xuất ra chúng...”.
Đó chính là điều trớ trêu không khó hiểu, có thể giúp lý giải rõ thêm về việc, tại sao các điểm nóng trên thế giới càng ngày càng gia tăng với tốc độ hãi hùng đến như thế..