Dù kinh tế khó khăn nhưng tại nhiều tuyến phố chuyên bán hàng mã như Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân (Hà Nội)… những ngày này vẫn tấp nập người mua kẻ bán với những đơn hàng mã có khi lên tới hàng chục triệu đồng.
Các mặt hàng được bày bán tại các tuyến phố này cũng đa dạng, với đủ các mức giá. Từ siêu xe, giày dép, quần áo hàng hiệu, tủ lạnh, ti vi, Ipad... cho tới nhà tầng, biệt thự siêu sang. Hài hước nhất là đi kèm với nhà, biệt thự hàng mã, là cả… “sổ đỏ” để đốt theo. Mức giá cũng rất đa dạng, từ vài chục nghìn tới cả triệu đồng/món.
Chị Nguyễn Thu Hà - chủ cửa hàng kinh doanh hàng mã tại số 26 Hàng Mã nói: “Dân thường thì chỉ bỏ ra khoảng 100.000 - 200.000 đồng cho việc mua vàng mã, chủ yếu là các đại gia mới dám “mạnh tay” chi hàng chục triệu đồng cho vàng mã”.
Cũng theo chị Hà, giá một bộ quần áo thường có giá 50.000 đồng, váy áo thời trang hàng hiệu giá 120.000 - 200.000 đồng/bộ, riêng với các siêu xe, nhà tầng, biệt thự có giá cho loại bé từ 300.000 - 400.000 đồng/chiếc, loại lớn từ 800.000 - 1 triệu đồng/chiếc. Một chủ hàng khác cũng cho biết, có những người đốt nhiều vàng mã tới mức phải dùng cả xe chuyên dụng để chở.
Tại TP.Huế, 2 ngày qua, rất nhiều vàng mã được người dân mang ra đốt ở vỉa hè, khói bụi mù mịt. Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn (Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế), việc người dân đốt vàng mã tùy tiện trong dịp lễ Vu Lan là do niềm tin bị lệch lạc.
“Muốn báo hiếu dịp Vu Lan thì chỉ cần tụng kinh niệm Phật cầu nguyện cho đấng sinh thành. Có nhiều tiền bạc thì nên dùng để giúp đỡ người nghèo khổ, còn dùng tiền này để mua vàng mã đốt thì không có ý nghĩa gì cả” - hòa thượng Thích Hải Ấn nói.
Minh Nguyệt – An Sơn