Dân Việt

Mẹ hiền tiễn con với bó củi trên vai ngày nào!

Lê Hoàng Sum 13/09/2014 08:00 GMT+7
Trong cuộc đời mỗi con người, mười ba năm không phải là dài nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn. Có những chuyện đã qua ta chưa hề nhớ lại, nhưng rồi một ngày bỗng hiện về trong ký ức, không thể lãng quên. Đối với tôi, hình ảnh mẹ hiền với bó củi trên vai tiễn con xuống đò đi học sao giờ đây thấy canh cánh bên lòng, khắc ghi trong tấc dạ...

Tôi sinh ra từ một vùng quê nghèo, hẻo lánh thuộc xã Thanh Bình huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Xã tôi là một cù lao nhỏ mà ngày xưa ông bà hay gọi là Cù lao dài. Vì vậy mà có người gọi chúng tôi là những đứa con của cồn của bãi. Lần đầu nghe tôi có cảm giác như mình bị “xúc phạm” nhưng riết rồi cũng quen với những cách gọi như thế của mọi người.

Tôi nhớ khi đó tôi học trường  Cấp II – III Vũng Liêm (nay là trường THPT Võ Văn Kiệt) vào năm 2000. Từ nhà tôi tới trường phải đi bằng đò hơn một giờ đồng hồ nên gia đình cho tôi ở trọ nhà người quen để tiện việc đi học. Mỗi tuần tôi về quê một lần nhận “tiếp tế” lương thực và tiền bạc để tiếp tục cuộc hành trình “đi tìm con chữ”. Nói là “tiếp tế” cho sang chứ khi về nhà tôi chỉ nhận được ba lít gạo, ba chục ngàn và một bó củi nhỏ ở trên vai. Vậy mà đã hơn mười ba năm trôi qua, tôi thấy nhớ lần mẹ tôi  vác bó củi dừa phơi chưa ráo nắng, tiễn con sang đò đi học.

img
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Internet).

Ngày đó, quê tôi còn nghèo lắm, quanh năm tần tảo chỉ để tìm kiếm cái ăn. Chị em chúng tôi phải nếm trải những nỗi cơ cực nơi chốn quê nghèo. Tuổi ấu thơ của chị em tôi là vậy, là những lúc ham chơi bị mẹ đánh đòn; là sự giận dỗi khi tranh giành một thứ đồ chơi; là những lúc ôm bó củi chạy mưa vào nhà; là những đêm ngồi bên ánh đèn chong để nghe kể chuyện…Ôi! Làm sao có thể kể ra hết được những hồi ức ngọt ngào mà chị em tôi đã có được quanh căn nhà nhỏ bé ấy. Dù cực khổ nhưng chị em tôi vẫn sống rất vui vẻ bởi vì trong cuộc sống của chúng tôi vẫn luôn có mẹ; mẹ luôn dõi theo và tràn ngập trong tâm hồn chị em tôi.

Quê tôi cách Bến Tre một con sông nên trồng rất nhiều dừa. Nhà tôi khi đó cũng trồng được hơn mười cây. Khi những tàu dừa khô rơi xuống đất thì mẹ tôi gom hết ra sau nhà. Mẹ dùng dao chặt từng cây củi, rồi đem ra phơi nắng cho khô. Nhiều hôm trời mưa chị em tôi phải giúp mẹ bó lại thành bó để vác vào nhà cất trữ làm cái đun.

Làm củi dừa không khó nhưng đòi hỏi sự siêng năng và kiên nhẫn. Nhìn bó củi dừa khô ran được bó lại thật chặt tôi thấy thương mẹ tôi vô cùng. Ngày vác bó củi trên vai, chào mẹ đi học mà tôi lưng tròng nước mắt. Nghĩ lại mà thương mẹ quá, một đời tần tảo nuôi con mà không nghĩ đến bản thân mình. Hình ảnh mẹ đưa bó củi cho tôi vẫn nguyên vẹn như ngày nào, không hề sứt mẻ qua bao miên trường thăm thẳm của thời gian.

Giờ đây, các em nhỏ không còn cảnh phải vác bó củi khô xuống đò vào những chiều chủ nhật. Các em đã có bếp ga để nấu nướng phục vụ cho nhu cầu ăn uống hằng ngày. Riêng tôi, mỗi lần đi đến bến đò xưa lại nhớ về mẹ với đôi vai in hằn dấu củi.

Ôi! Bó củi đấy ắp đầy nghĩa tình, chứa chan tình cảm thiêng liêng. Mẹ tôi giờ đây đã già không còn đủ sức để chặt củi, nấu cơm. Nhưng những gì mẹ đã làm, suốt một thời tần tảo, làm cho chị em tôi luôn đủ cái ăn, cái mặc đã thấm sâu vào trong tiềm thức. Tôi tự nói với lòng, mong mẹ tôi luôn khỏe, dù là không còn nhóm bếp nấu cơm cho chị em tôi với bó củi quen thuộc ngày nào…