Dân Việt

Làm phúc và tệ nạn ăn xin

02/09/2014 20:23 GMT+7
Các nhà xã hội học đã thực hiện thăm dò về sự hảo tâm của người Nga ngoài đường phố. Được biết, phần lớn người dân ít nhiều từng cho tiền những đối tượng ngửa tay đi xin. Mặc dù họ hiểu là tỷ lệ kẻ gian trong số này rất lớn.

Cuộc khảo sát do các chuyên gia Quĩ Công luận tiến hành. Chỉ có 12% người Nga không bao giờ bố thí cho người ăn xin. 28% số người được hỏi thường xuyên cho tiền và khoảng một nửa ý kiến thừa nhận họ thỉnh thoảng làm điều này.

img

Photo: RIA Novosti.

Dễ nhận được tiền bố thí nhất là những người luống tuổi. Ở một số khu vực đi lại đông đúc của các thành phố lớn ở Nga có thể bắt gặp những người đàn ông và phụ nữ xin tiền điều trị, mua vé tàu, nuôi thú cưng, cựu chiến binh các cuộc tranh chấp vũ trang cục bộ v.v... Tuy nhiên, nói chung khách vãng lai hiểu rõ đa số người ăn xin là những kẻ lừa đảo, thực chất có mọi cơ hội nuôi thân bằng lao động chính đáng.

Ở các thành phố lớn vốn tồn tại những nhóm "ăn xin chuyên nghiệp". Hiện tượng này không mới mẻ gì. Ăn mày từ lâu đã trở thành một nghề có thu nhập rất khá. Nhà chức trách từng nhiều lần đấu tranh với đội quân "hành khất chuyên nghiệp" nhưng không thu được kết quả khả quan. Tại Liên Xô, các hoạt động “ăn mày” từng bị coi là "lối sống ký sinh" và qui kết trách nhiệm hình sự. Điều này bị xóa bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ. Hiện nay, chỉ có thể bắt phạt những người ăn mày mà chủ yếu là ở Moskva. Gần đây, các phương tiện truyền thông Nga bỗng loan tin cảnh sát thủ đô đề xuất phạt cả những người cho tiền. Nhưng cảnh sát Moskva chính thức bác bỏ điều này.

Trong khi đó, mỗi ngày "các chuyên gia ăn xin" có thể có thu nhập từ 20 đến 70 ngàn rúp, tương đương 500-2.000 USD. Người Nga nói chung tin vào khả năng thắng biểu hiện tệ hại này trong xã hội. Ví dụ như bố trí công ăn việc làm cho các đối tượng ăn xin thật cũng như giả. Một số khác đề xuất phương pháp cương quyết hơn, tức là áp dụng trở lại trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng sống bằng thu nhập bất chính này.