Dân Việt

“Trồng cho vui”, vải thiều Bắc Giang “bất ngờ” chín đỏ rực cao nguyên

03/09/2014 16:19 GMT+7
Sau hơn 10 năm dày công nghiên cứu đưa cây vải thiều vào canh tác thay cho vườn cà phê già cỗi, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (huyện Krông Nô) đã có một vườn cây ăn trái với hơn 1,5 ha trồng vải thiều, cho thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.

 

img 
Cơ duyên với vải thiều

Sau hơn 10 năm dày công nghiên cứu đưa cây vải thiều vào canh tác thay cho vườn cà phê già cỗi, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (huyện Krông Nô, Đăk Nông) đã có một vườn cây ăn trái với hơn 1,5 ha trồng vải thiều, cho thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.

Khởi nghiệp từ năm 1998 chỉ vỏn vẹn 40 gốc vải thiều mà theo anh Minh là “để trồng cho vui” và lấy bóng cây che phủ cho diện tích cà phê trong vườn.

Thế nhưng theo thời gian, 40 cây vải thiều nhà anh tỏ ra thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và sinh trưởng rất tốt, chỉ sau một vài năm bắt đầu sai quả, năm sau tốt hơn năm trước.

Thế là ý tưởng lấy cây vải thiều để phát triển vườn cây ăn trái bộc phát trong cách làm kinh tế của anh Minh.

Có ý tưởng trong đầu, anh Minh bắt tay ngay vào thực hiện xây dựng vườn vải thiều. Để chuẩn bị cho việc mở rộng diện tích, anh Minh đã không ngại đường xa, bỏ công ra tận Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN) tham quan và học hỏi các lớp đào tạo phát triển kinh tế theo mô hình VAC để về áp dụng.

Có được kiến thức căn bản trong tay, năm 2004 anh Minh mạnh dạn chuyển đổi gần 1,5 ha cà phê kém hiệu quả sang trồng hơn 400 gốc vải thiều. Đến nay vườn vải nhà anh đã trên chục năm tuổi và đang phát triển xanh tốt.

 

Chia sẻ kinh nghiệm, anh Minh cho biết: "Vải thiều vốn là cây truyền thống được trồng hiệu quả ở các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang nhưng khi được trồng ở vùng đất cao nguyên Đăk Nông cũng rất “có duyên”. Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay, tôi cũng mất nhiều năm mày mò học tập cách trồng, chăm sóc, ghép giống với nhiều bài học được rút ra sau những lần thất bại”.

UBND tỉnh Đăk Nông vừa phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng vùng SX cây ăn quả tập trung, đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó cây vải thiều được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong SX cây ăn trái của tỉnh.

Không nản lòng, vừa học, vừa làm, anh đã từng bước khắc phục được những hạn chế của mình về việc trồng cây đúng mật độ, biết cách kích thích cho cây ra hoa, đậu quả. Trong đó, anh nắm bắt nhanh chóng và triển khai ghép thành công các giống vải cho ra hoa sớm, năng suất cao.

Bên cạnh đó, vải thiều cũng là cây có khả năng kháng sâu bệnh khá tốt, những loại sâu bệnh thường gặp như bọ xít nâu, sâu đục đầu quả, rệp hại quả non, mốc sương đều có thể phòng và chống được bằng các biện pháp thủ công như cắt tỉa cành tạo sự thông thoáng, làm sạch cỏ dại, phun các loại thuốc trong danh mục cho phép.

 

img
Khẩn trương đóng vải thiều để giao cho thương lái.

Nhân rộng

Nhận thấy mô hình trồng vải thiều của anh Minh đem lại lợi nhuận kinh tế cao, rất nhiều hộ dân trong tỉnh đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và được anh Minh tận tình chỉ dẫn.

Đến nay đã có hàng chục hộ nông dân trong tỉnh chuyển sang trồng vải thiều chín sớm. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Nuôi, thôn 2, xã Trường Xuân, Đăk Song trồng hơn 500 cây vải thiều, mỗi năm mang về cho gia đình anh gần 1 tỷ đồng.

Với mỗi ha trồng vải thiều hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Nông nếu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất từ 18 - 20 tấn quả /năm. So với các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su thì hiệu quả kinh tế do cây vải mang lại cao và ổn định hơn gấp nhiều lần.

Đặc biệt cây vải thiều trên đất Đăk Nông luôn có chu kì cho thu hoạch sớm hơn so với các tỉnh phía Bắc từ 15 - 30 ngày nên giá bán tốt hơn, đầu ra ổn định với thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh phía Nam.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trong tỉnh đang khuyến khích nông dân cải tạo vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao và cây vải thiều được xem là sự lựa chọn thích hợp và triển vọng.

Địa chỉ liên hệ: Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (huyện Krông Nô, Đăk Nông )

>> NÓNG: Mướp đắng Việt ra trái “khủng” ở Hàn Quốc, nặng gần... 1kg/quả