Dân Việt

Cách nhận biết bệnh truyền nhiễm nguy hiểm Newcastle ở gia cầm

Trần Phượng 04/09/2014 07:35 GMT+7
Bệnh Newcastle là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở loài gia cầm gồm gà và các loại chim. Đặc biệt, ở gia cầm bệnh thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh ghép với nhiều loại bệnh khác gây tỷ lệ chết cao, thiệt hại kinh tế lớn. Bệnh này là do virus thuộc giống Avulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra.

Căn cứ vào các biểu hiện về triệu chứng lâm sàng, bệnh Newcastle được chia thành 4 thể bệnh chính như sau: Thể độc lực cao hướng nội tạng (Viscerotropic velogenic), thể độc lực cao hướng thần kinh (Neurotropic velogenic), thể độc lực trung bình (Mesogenic) và thể độc lực thấp (Lentogenic). Khi vật nuôi bị viruts gây bệnh ở thể độc lực cao tấn công có thể gây chết trong thời gian ngắn khi gia cầm chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Khi đàn gia cầm chưa được phòng bệnh bằng vaccine, nếu mắc bệnh có thể chết đến 100%.

Thời kỳ ủ bệnh của thể trên trung bình từ 5-6 ngày hoặc cũng có thể thay đổi từ 2-15 ngày. Mức độ bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độc lực của chủng viruts gây bệnh, loài mắc, tuổi và sức đề kháng. Ở thể bệnh nhẹ, thể hô hấp, vật nuôi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng như hắt hơi, khó thở, ho, chảy nước mũi, tổ chức vùng cổ và mắt sưng, ỉa chảy, phân có màu trắng xanh hoặc màu trắng.

Với thể bệnh nặng thì vật nuôi thường gặp các triệu chứng như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, run cơ, sã cánh, nghẹo đầu và cổ, quay tròn, liệt chân, liệt toàn thân, giảm đẻ, trứng bị mỏng vỏ, chết đột ngột, tỷ lệ tử vong rất cao. Gia cầm mắc phải chứng bệnh nêu trên thường có bệnh tích như sau: Viêm túi khí dày đục, viêm và xuất huyết khí quản, có các đám hoại tử ở dạ dày tuyến, ruột và hạch manh tràng, xuất huyết điểm ở dạ dày tuyến, tập trung ở xung quanh lỗ đổ ra của tuyến tiêu hóa, phù và xuất huyết hoặc thoái hóa ống dẫn trứng ở gà đẻ.

Loại virus gây bệnh nêu trên có thể lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp. Lây trực tiếp có thể xảy ra giữa gia cầm mắc bệnh và gia cầm khỏe mạnh qua đường phân, dịch tiết ở nước mắt, mũi, miệng hoặc qua hơi thở của gia cầm. Đường lây gián tiếp căn bệnh Newcastle là qua xác gia cầm bị bệnh chết, vỏ trứng hoặc dụng cụ chăn nuôi…

Tuy nhiên, loại virus gây bệnh Newcastle ở gia cầm dễ dàng bị tiêu diệt khi gặp nhiệt độ cao, mức 70 độ C trong vòng 30 phút; nhiệt độ càng cao, mức độ tiêu diệt càng nhanh, với 80 độ C virus gây bệnh sẽ bị tiêu diệt chỉ trong vòng 1 phút. Ngoài ra, virus dễ bị phá hủy với môi trường kiềm hoặc axit hoặc dưới tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời. Khi vật nuôi mắc phải chứng bệnh này, không có thuốc điều trị, chỉ có vaccine phòng bệnh nên người chăn nuôi chủ động phòng bệnh cho vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi.