Nó nhớ ngày còn nhỏ xíu, hễ Rằm tháng Bảy vừa trôi qua là bọn trẻ con trong xóm nó lại háo hức mong chờ "Tết Trung thu". Vào những ngày cận Trung thu, anh em nó thường kiếm tre, trúc và những tờ giấy báo hay những tờ giấy bóng xanh đỏ để làm đèn, để đón tết Trung thu thật "linh đình" và ấn tượng. Những cánh sao chắp nối ngộ nghĩnh, lộ rõ sự vụng về nhưng đó lại là một "công trình" tự hào đối với anh em nó.
Cũng có những đứa không kiếm được giấy bóng kính để làm đèn ông sao, nhưng kiếm được một vài chiếc lon sữa bò, lon bia và nước ngọt, lại hì hụi ngồi cắt thành những sợi nhỏ dọc theo chiều dài của lon và ép cho nó lại để phình tròn ra. Gài một cây nến nhỏ vào bên trong, sẽ có một chiếc đèn lồng nhỏ xinh tự tạo để đón chị Hằng và chú Cuội ...
Mỗi đêm, những đôi mắt tròn của anh em nó mở to háo hức nhìn lên nền trời theo dõi từng mảnh hao khuyết, tròn đầy của chị Hằng để chờ tới ngày được đốt đèn Trung thu đi chơi. Rồi ngày mong đợi ấy cũng đến trong niềm hân hoan, khấp khởi. Buổi tối, anh em nó cẩn thận đốt một cây đèn cầy nhỏ, rồi dắt nhau đi đón chị Hằng. Vừa ra đầu đường, gặp thằng Quân đang hớn hở với chiếc đèn cá chép rực rỡ trên tay. Thằng Út - em nó tức tưởi chạy vào, nức nở kể với mẹ: "Mẹ ơi! thằng Quân nó có đèn cá chép đẹp lắm. Nó chê đèn con xấu hơn đèn nó kìa...Mẹ mua cho con một chiếc đèn như nó đi mẹ.."
Nó chạy vào theo, thấy mẹ đang dỗ dành thằng Út: "Nhà mình nghèo lắm con ạ! Để vài hôm, mẹ lấy tiền cấy lúa được sẽ mua cho con mà! Nín đi connnn". Nó nhìn thấy mắt mẹ rơm rớm. Nó biết mẹ buồn vì không thể mua đèn cho anh em nó - vì hồi chiều, cô Tám vừa ghé nhà đòi tiền gạo, mẹ không có tiền trả nên bị cô ấy "cằn nhằn" đủ thứ: "Nghèo mà đẻ chi cho đông con, để lo ăn không xuể...". Nó nhìn cảnh ấy mà thương mẹ biết mấy.
Kể từ ngày ba đi xa, bao gánh nặng của gia đình đều đè lên đôi vai gầy của mẹ nó. Nó lau nước mắt cho em và thầm thì: "Nào, Út ngoan hãy cùng mấy anh ra đón chị Hằng đi. Tụi nó đang đợi mình ở đầu lộ kìa. Nếu không đi sẽ trễ mất!". Thằng Út vội nhặt chiếc đèn ông sao làm bằng giấy báo và tập tễnh theo nó.
Trungthu 1974. (Nguồn ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Trăng bắt đầu lên cao, mặt trăng tròn vành vạnh như đang rót đầy mật vàng trải khắp mọi nơi. Rồi anh em nó cùng mấy đứa trẻ chung xóm "diễu hành" dọc trên con đường đá đỏ với tiếng trống làm bằng "da ếch" rộn ràng. Những chiếc đèn nhỏ xíu đang lấp lánh cùng tiếng cười nói rộn rả. Đoàn quân diễu hành ấy, hát vang "Tết Trung thu em rước đèn đi chơi..."
Thế rồi, nó lớn lên và phải xa nhà, trọ học trên thành phố. Cuộc sống nơi phố thị đã cuốn phăng thời gian của nó. Nó chẳng còn biết ngày Rằm tháng tám nữa. Nó không còn ngồi hàng đêm với thằng Út để đếm các vì sao và ngắm ánh trăng đang "tròn" mỗi đêm .Vả lại, chính ánh sáng đèn đô thị cũng khiến tất cả mọi người phải lóa mắt. Và hôm nay, nó chợt nhận ra mùa Trung thu đã đến gần. Nó chợt nhớ về thằng Út ở quê, cùng lũ trẻ của xóm. Không biết bọn chúng có còn làm lồng đèn như anh em nó mấy năm trước không?... Nó bỗng thèm biết bao được nghe lại tiếng lanh canh của đèn lon, sắc màu của những chiếc đèn ông sao vụng về, những ngọn nến nhỏ lấp lánh, lung linh. Nó nhớ lắm, thương lắm ...
Bảy mùa trăng tháng Tám trôi qua chốn thị thành là bốn lần nó đón Tết Trung thu buồn tẻ một mình nơi phố. Ánh trăng tròn vành vạnh, những lời hát đồng dao vẫn nguyên vẹn trong lòng nó. Nhưng nó vẫn không thể về quê nhà để đón Trung thu với thằng Út. Nó nghĩ thầm: "Út ơi! Hãy hiểu cho anh Năm của em"- vì mùa Trung thu này, nó đăng ký theo Đoàn Trường đến các xã vùng sâu, vùng xa để tặng quà cho những em học sinh nghèo. Bởi nó biết, những nơi đó đang rất cần nó và các bạn của nó...!