Thị trường bánh trung thu năm nay đang có nhiều sự thay đổi khá rõ rệt - trong khi các loại bánh cao cấp dần không được người tiêu dùng ưa chuộng, bánh trung thu cổ truyền ngày càng đắt hàng, và một loại hình bánh mới đang xuất hiện nhiều hơn là bánh trung thu tự làm tại gia đình.
Sôi động rủ nhau vào bếp
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) trong những ngày cuối tuần qua đã tìm đến các cơ sở sản xuất nguyên liệu làm bánh để mua về tự “sản xuất” bánh trung thu cho gia đình. Chị Hạnh cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi mua bánh trung thu bày bán ngoài đường, song gần đây thấy có nhiều thông tin liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của bánh trung thu, tôi nghĩ gia đình mình tự làm sẽ an toàn hơn”.
Cũng theo chị Hạnh: “Bánh trung thu của các hãng lớn khá đắt tiền, từ 40.000-70.000 đồng/chiếc, bánh giá rẻ thì nguồn gốc không rõ ràng, sử dụng nhiều chất phụ gia, hương liệu không rõ xuất xứ, không có hạn sử dụng. Bánh tự làm giá hợp lý, từ 20.000-25.000 đồng/chiếc và yên tâm về chất lượng”.
Cầu kỳ hơn, từ hơn 1 tuần nay, anh Nguyễn Văn Toàn và chị Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) còn lên phố Hàng Mã để mua hộp, giấy bóng kính gói bánh để làm hơn 100 chiếc bánh trung thu đi biếu. Nhìn hộp bánh chị Thu làm, hình thức không thua các hãng bánh chuyên nghiệp. Chị Thu cho biết, các loại bánh này làm khá đơn giản, vài năm gần đây gia đình chị tự làm. Các gia đình khác thấy chị làm đẹp, yên tâm về chất lượng nên nhờ làm hộ. “Tôi mua 1 lò nướng bánh 2 triệu đồng, khuôn bánh khoảng 200.000 đồng. Còn bột làm bánh thì mua rất dễ, gồm bột gạo, bột mì và các loại hạt sen, mứt bí... làm nhân. Sau đó thì tự học nhau công thức làm bánh trên mạng. Ban đầu thì cũng hỏng vài cái vì vỏ quá khô hoặc quá bở, giờ thì chất lượng khá hơn”- chị Thu chia sẻ.
Chị Đoàn Trà My (ngõ 65 Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội) còn “cao thủ” hơn khi tự làm tới 800 cái bánh nướng cho một người bạn đi làm từ thiện ở xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên, tỉnh Điên Biên). Chị My cho biết, chị mới học làm bánh trên mạng từ đầu năm nay. Lúc đầu, chỉ để thỏa mãn nhu cầu thích nấu nướng, nhưng sau đó mùi vị, hình thức hấp dẫn của bánh homemade (tự chế biến) khiến chị càng làm càng ham. Mọi người ăn bánh của chị đều thích vì nhân bánh thơm, mềm, nhân dẻo mà không ngọt. “Bánh homemade không có chất bảo quản nên chỉ để được 5-7 ngày, do đó phải sát ngày giao bánh em mới làm. Em đã phải thức cả đêm, cả ngày mới làm kịp 300-400 bánh” – chị My cho biết. Những lúc quá nhiều “đơn đặt hàng”, chị My phải huy động cả chồng, con nặn bánh. ”Nhờ thế mà không khí gia đình rất vui và ấm cúng”- chị chia sẻ.
Giá trị cần gìn giữ
Cũng không kém các “gái đảm” Hà Nội, chị Bùi Thu Hà ở Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) năm nay tổ chức làm các loại bánh truyền thống như bánh nếp, bánh gai và cả bánh nướng bánh dẻo. “Trung thu này tôi quyết định tự làm bánh vừa để gia đình ăn, vừa góp bánh cho các cháu trong xóm vui trung thu”- chị Hà nói.
Là chủ một cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống ở làng Xuân Đỉnh cũ (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Minh Luyến đặc biệt ủng hộ việc các gia đình tự tay mình làm nên những chiếc bánh trung thu truyền thống. Ở Xuân Đỉnh năm nay cũng có vài gia đình mở cửa đón khách tham quan và dạy làm bánh trung thu ngay trong cơ sở của mình, trong đó có gia đình chị Luyến.
Chị Luyến cho rằng: “Cần ủng hộ người dân quay lại với bánh trung thu cổ truyền, đặc biệt nếu mọi người có thể tự tay mình làm bánh trung thu thì còn là điều tuyệt vời hơn. Khi làm bánh, cảm giác trở lại không gian văn hóa xưa rất thú vị, lớp trẻ có thể hiểu và biết cách làm bánh trung thu truyền thống, hiểu ý nghĩa ngày tết. Không phải đâu xa, đấy chính là cách gìn giữ bản sắc, văn hóa”.
Theo TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế): “Đúng là xu hướng một năm trở lại đây, bánh trung thu tự làm xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dù là cơ sở sản xuất để kinh doanh hay gia đình tự làm thì đều phải tuân theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm cụ thể”.