Nhờ ham thích nghề nuôi ong và chịu khó học hỏi, ông Thục đã giàu lên từ nuôi ong, mỗi năm thu trên một trăm triệu đồng.
Năm 1982, ông Thục từ chiến trường miền Nam trở về quê hương với thương tật ¼. Về quê, ông cùng với vợ con chăm chỉ làm ăn nhưng đói nghèo cứ bủa vây lấy gia đình ông. Năm 1988, ông “bén duyên” với nghề nuôi ong. Lúc đầu, ông nuôi thử 5 đàn ong. Thấy đầu tư ít, hiệu quả lại cao ông Thục ngày càng mở rộng quy mô nuôi ong. Trong vườn nhà ông giờ lúc nào cũng có 45 - 60 đàn ong khỏe mạnh.
Nuôi ong lâu năm, thạo nghề nên ông Thục hiểu rõ “tính nết” đàn ong và có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, vệ sinh thùng cũng như trợ giúp để đàn ong vượt qua thời gian thiếu vắng mùa hoa. Mới qua vụ mật vải và mật nhãn năm nay, ông Thục đã thu về 350kg mật. Với giá 200.000 đồng/kg, ông đã có khoản doanh thu 70 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có thêm 40 triệu đồng tiền lãi từ việc tạo chúa, chia đàn, bán hơn 40 đàn ong giống mỗi năm.
Ông Thục chia sẻ: “Nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, quan sát diễn biến của đàn ong trong từng thời điểm để có cách chăm sóc phù hợp. Khó khăn nhất trong việc nuôi ong là làm sao giữ được đàn ong trong thời gian mưa rét để nhân giống cho vụ sau”.
Nhờ nghề nuôi ong mà gia đình ông Thục cải thiện được cuộc sống, nuôi 2 con gái ăn học nên người và có vốn đầu tư trồng 2ha cao su. Không chỉ có vậy, vốn cởi mở và không giấu nghề, ông Thục đã giúp rất nhiều nông dân khác thoát nghèo bằng việc tư vấn kỹ thuật, truyền nghề nuôi ong cho họ.