Dân Việt

Vì sao châu Âu ác cảm với thực phẩm biến đổi gene?

Trong khi Mỹ, Canada, Brazil, Argentina, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đón nhận cây trồng BĐG một cách nồng nhiệt, châu Âu vẫn là nơi lớn nhất trên thế giới trì hoãn sử dụng chúng.

 

Liệu điều này có thể thay đổi không? Những luật lệ mới của Liên minh Châu Âu hiện đang tìm cách gỡ bỏ bế tắc nội khối triền miên trong nhiều năm, điều mà, về lý thuyết, có thể dẫn đến việc sản xuất đại trà thực phẩm BĐG. Nhưng cuộc chiến còn lâu mới đến hồi kết.

Cuộc tranh luận lớn của EU về cây trồng BĐG xảy ra giữa hai phe có quan điểm đối lập nhau: Phe những người ủng hộ chiến dịch xanh quan ngại về tác động của những cây trồng này đối với sức khỏe và môi trường, và phe vận động hành lang cho ngành thực phẩm với lý lẽ rằng châu Âu đang đánh mất vị trí hàng đầu của mình trong đổi mới nông nghiệp khi khước từ một công nghệ giúp tăng năng suất và thu nhập khu vực nông thôn.

Chỉ có 5 nước EU trồng cây BĐG – Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Romania và Slovakia – và với số lượng ít ỏi đến mức sản lượng của các nước này chiếm chưa đến 0,1% sản lượng cây trồng BĐG toàn cầu năm 2013, theo Tổ chức Dịch vụ quốc tế về Tiếp thu ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (International Service for the Acquisition of Agri-biotech Applications - ISAAA), tổ chức giám sát ngành này.

Nền chính trị bị chia nhỏ, địa hình đa dạng và truyền thống canh tác quy mô nhỏ hơn của châu Âu khiến cho châu lục này ít phù hợp hơn với những kỹ thuật canh tác đại trà ở Mỹ và Trung Quốc. Chỉ có duy nhất 1 loại cây trồng BĐG – ngô kháng sâu – được phê duyệt để trồng tại EU, so với 96 giấy phép thương mại được cấp tại Mỹ kể từ năm 1990, mặc dù châu Âu nhập khẩu hơn 30 triệu tấn hạt BĐG làm thức ăn chăn nuôi mỗi năm.

"Châu Âu đã liên tục tự chỉ trích mình về việc nhập khẩu những cây trồng mà người nông dân các nước này có thể tự trồng và đã trục xuất hàng ngàn nhà khoa học sáng giá đến các quốc gia khác vì những lý do mập mờ về mặt khoa học” -  ông Brandon Mitchener, người phát ngôn của Monsanto tại Brussels cho biết. Monsanto là một trong những công ty kinh doanh nông nghiệp của Mỹ dẫn đầu việc thúc đẩy sử dụng cây trồng BĐG.  

 

“Nguồn gốc ác cảm của châu Âu đối với BĐG đã có từ những năm 1990, do 2 yếu tố chính: Sức mạnh của đảng Xanh tại Đức vào thời điểm mấu chốt khi công nghệ này mới nổi, và sau đó là nỗi sợ hãi bệnh bò điên ở Anh”. 

Ông Frederic Vincent (Phát ngôn viên về lĩnh vực y tế của Ủy ban Châu Âu).

 

Với hy vọng tìm được lối thoát cho bế tắc này, tháng 6.2014, các bộ trưởng phụ trách môi trường của EU đã thông qua những luật lệ mới cho phép các quốc gia thành viên tự đưa ra quyết định của mình về cây trồng BĐG – cho phép họ sử dụng những lý do “đạo đức” hay “trật tự công cộng” để cấm những cây trồng đó ngay cả khi các cố vấn khoa học đã khẳng định những giống này là an toàn.

Sự nhân nhượng này là kết quả của một cuộc chiến quyết liệt, ông Frederic Vincent, phát ngôn viên về lĩnh vực y tế của Ủy ban Châu Âu, cho biết: "Tất cả các nước đều phản đối thỏa thuận này vì những lý do khác nhau. Anh cho rằng như vậy thì còn cần khoa học làm gì nữa, trong khi Pháp lại cho rằng thế thì khoa học đóng vai trò quá lớn, còn Đức thì không phản đối bên nào do có mối quan hệ liên minh phức tạp".

Nỗi sợ dây chuyền từ bệnh bò điên

Công nghệ BĐG không phải lúc nào cũng gây tranh cãi như vậy ở châu Âu. Thậm chí Pháp, hiện là một trong những nước phản đối BĐG mạnh mẽ nhất, cũng đã từng trồng ngô BĐG cho đến những năm 2000 khi những người biểu tình ủng hộ chiến dịch xanh gây áp lực để chính phủ ban hành lệnh cấm.

Nhưng ông Mitchener cho biết nguồn gốc ác cảm của châu Âu đối với BĐG đã có từ những năm 1990, do 2 yếu tố chính: Sức mạnh của đảng Xanh tại Đức vào thời điểm mấu chốt khi công nghệ này mới nổi, và sau đó là nỗi sợ hãi bệnh bò điên ở Anh.

"Bệnh bò điên đã làm mất lòng tin của công chúng vào khoa học. Bạn thấy chính phủ Anh nói rằng thịt bò là an toàn, trong khi EU lại nói điều ngược lại” - ông nói.

Mitchener cho biết thêm, không giống như Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) được tôn trọng tại Mỹ, các cơ quan tương đương ở châu Âu thường được coi như quân tốt đen chịu sự điều khiển của ngành công nghiệp này hoặc đơn giản là bị phớt lờ.  

"Bi kịch của công nghệ sinh học tại châu Âu là không ai nghe theo EFSA” -  ông nói, đề cập đến Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu, một cơ quan khoa học được thành lập ra một phần để đối phó với sự rối loạn do bệnh bò điên gây ra. Cơ quan này đã liên tục phát biểu rằng không có nguy cơ nào từ các cây trồng BĐG.

Các nhà khoa học ủng hộ cây trồng BĐG lập luận rằng cây trồng BĐG vốn không nguy hiểm hơn cho môi trường hay sức khỏe con người so với bất kỳ phương pháp biến đổi cây trồng nào khác – dù là qua lai tuyển chọn hay một cách tự nhiên qua tiến hóa.

Hay, về vấn đề đó, bằng cách chiếu bức xạ lên hạt giống, như con người đã làm trong hàng thập kỷ qua quá trình “đột biến”, với hy vọng tạo ra những hạt giống đột biến gene mang các đặc tính hữu dụng. Hơn 2.500 giống cây trồng đã được tạo ra bằng cách này, trong đó có giống lúa mì hảo hạng được dùng trong rượu whisky Scotch và cacao kháng bệnh trong sôcôla Guinea.

"Trên thực tế, cây trồng BĐG an toàn hơn hầu hết các loại giống vì chúng ta biết được chính xác những đặc tính nào được cấy vào – ít ngẫu nhiên hơn rất nhiều” - ông Huw Jones, một nhà khoa học về BĐG tại Viện Nghiên cứu Rothamsted ở Anh lập luận.