Dân Việt

Ý nghĩa độc đáo của tết Trung thu ở các nước châu Á (kỳ 1)

Bình Nguyên (tổng hợp) 06/09/2014 08:12 GMT+7
Theo Âm lịch, Tết Trung Thu là ngày Rằm tháng 8 hằng năm. Ở Việt Nam, Trung thu được xem là ngày tết thiếu nhi, còn nhiều quốc gia khác lại là dịp đoàn viên, hoặc là lễ tạ ơn.

Trung Quốc

Trung Quốc được xem là nơi phát tích của lễ hội Trung thu, với nhiều  truyền thuyết li kì về chị Hằng, thỏ ngọc, bánh Trung thu...

img Trung thu luôn là một dịp lễ lớn tại Trung Quốc.

 

Cũng giống như nhiều nước khác, Trung thu ở Trung Quốc cũng không thể thiếu bánh trung thu gồm bánh dẻo và bánh nướng. Theo người Trung Quốc, hình tròn của mặt trăng tưởng trựng cho sự đoàn viên. Vì thế vào ngày trung thu mọi người thường quây quần ăn bánh, uống trà và thưởng nguyệt, bởi vậy, Tết Trung thu ở Trung Quốc còn có tên gọi là Tết Đoàn viên.

Nhật Bản

Người Nhật gọi Tết Trung thu là Tsukimi hoặc Otsukimi (nghĩa là “lễ hội ngắm trăng”). Tuy nhiên, ngoài "Tết Trăng tròn" vào ngày Rằm tháng 8, người Nhật còn có thêm một "Tết Trăng khuyết" thường được tổ chức vào ngày 13 tháng 9 âm lịch.

img
Bánh mặt trăng Tsukimi Danggo truyền thống của người Nhật Bản.

 

Tương tự như bánh Trung thu của Việt Nam, món bánh đặc trưng nhất trong dịp này ở Nhật Bản là bánh mặt trăng Tsukimi Danggo.

Bánh Tsukimi Dango được làm từ nguyên liệu bột gạo xay nhuyễn, bên trong là nhân đường.  Đúng tính chất của một "lễ hội ngắm trăng", vào đêm rằm, các gia đình Nhật Bản xếp bánh Tsukimi Dango theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki, kèm một số loại hoa quả nữa.

Sau đó, họ đặt kế bên hiên nhà hay gần bên cửa sổ hoặc bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng. Nhà nào có nhiều trẻ em tới ăn vụng bánh thì lại càng gặp nhiều may mắn.

Hàn Quốc

Tết Trung thu theo cách người Hàn gọi là lễ Chuseok (Lễ Tạ ơn), là ngày Tết lớn thứ 2 trong năm ở Hàn Quốc, chỉ sau Tết Nguyên đán. Trung thu ở Hàn Quốc thường được tổ chức từ trước ngày rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15.8 âm lịch.

Vào dịp này, người Hàn Quốc dành hẳn 3 ngày nghỉ lễ để quây quần bên gia đình, bè bạn. Món ăn đặc trưng nhất của Hàn Quốc trong dịp Trung thu là bánh Songypeon hình lưỡi liềm nặn bằng bột gạo rồi đem hấp với lá thông kim. Ngoài ra còn có miến trộn Japchae, bò nướng Bulgogi và các thức hoa quả khác của mùa thu.

img
Tết Trung Thu hay còn gọi là lễ Chuseok (Lễ Tạ ơn) được xem là ngày Tết lớn thứ 2 trong năm ở Hàn Quốc.

 

Người Hàn Quốc thay vì múa lân sư rồng, sẽ hoá trang thành những chú bò, chú rùa cùng với một đoàn lễ nhạc đi đằng sau. Những trò chơi truyền thống trong dịp này còn có đánh trận giả, thi bắn cung, đấu vật… Ở miền Nam, vào đêm trăng tròn, phụ nữ và trẻ em sẽ nắm tay nhau đứng thành vòng tròn và nhảy múa dưới ánh trăng.

Singapore

Singapore là quốc gia có phần lớn dân số là người gốc Hoa, bởi vậy mà những đêm hội Trung thu luôn được người dân ở quốc đảo Sư tử coi trọng. Với họ, ngày tết Trung thu là một dịp trời ban, giúp kết nối, hàn gắn tình cảm, bày tỏ lòng biết ơn. Bạn bè thân thuộc, họ hàng nội ngoại và thậm chí cả các đối tác làm ăn sẽ cùng trao tặng bánh Trung thu cho nhau, mượn dịp này bày tỏ lời thăm sức khỏe và gửi lời chúc tốt đẹp nhất.

img

Con phố Orchard Roa được trang hoàng rực rỡ trong dịp Trung thu.

 

Singapore là một thành phố du lịch nên lễ hội Trung thu cũng là dịp để đất nước này thu hút khách du lịch. Hàng năm, cứ những lúc cận kề ngày hội đêm Rằm tháng 8, con phố mua sắm du lịch nổi tiếng nhất ở Singapore, Orchard Road, hay công viên Yue Hwa,…đều được trang hoàng lộng lẫy.

img

Đường phố rực rỡ màu sắc ở Singapore đêm Trung thu.

Năm 2013, đất nước này đã trình diễn một lễ hội Trung thu đặc sắc với vô số các loại đèn lồng rực rỡ có tên gọi Kính vạn hoa. Những chiếc đèn khổng lồ được ghép lại từ 580 đèn lồng các loại là một kỷ lục trong năm 2013 của Singapore.