Trước khi tìm đến quốc hội, Ellsberg đã suy nghĩ nhiều về việc nhờ đến báo chí – vốn được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội – để đưa bản Tài liệu Lầu Năm Góc ra công luận. Con đường này khiến ông đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý hơn, cộng thêm các tờ báo sẽ không thể đăng tải hết toàn bộ nội dung bản tài liệu, nhưng trước sự bế tắc qua con đường các nghị sỹ, Ellsberg không còn lựa chọn nào khác.
Tháng 3.1971, Ellsberg quyết định tiết lộ bản Tài liệu Lầu Năm Góc cho tờ Thời báo New York (New York Times - NYT) thông qua Neil Sheehan – một phóng viên ông đã quen biết từ trước. Thất bại trước khiến ông trở nên thận trọng. Ông chỉ trao một số trang tài liệu cho Sheehan và đặt điều kiện chỉ trao toàn bộ nếu ban biên tập đồng ý đăng trên tinh thần sẽ tạo ra một sự kiện lớn tác động tới dư luận và chính quyền Mỹ. Ellsberg không hề biết rằng chỉ lướt qua những dòng đầu tiên, ban biên tập tờ NYT hiểu ngay đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm và họ phải mất khá nhiều thời gian để thảo luận có đăng hay không và nếu đăng thì sẽ như thế nào. Công ty luật tư vấn cho NYT nói rằng không nên đăng bài này, bởi bài báo có thể khiến ban biên tập vào tù chiểu theo Luật Gián điệp. Tuy nhiên, luật sư Jim Goodale làm việc cho NYT có quan điểm ngược lại. Vậy là quyết định đăng Tài liệu Lầu Năm Góc được nhất trí thông qua.
Sau này, Max Frankel, trưởng văn phòng đại diện của NYT tại Oasinhtơn khi đó kể lại: “Chúng tôi sẽ không bao giờ yên ổn nếu quyết định không đăng tập tài liệu. Sớm hay muộn thì người ta cũng biết rằng chúng tôi đã có nó trong tay, đã chùn bước, đã không đăng và đó sẽ là một sự hổ thẹn”.
Để giữ bí mật tuyệt đối, ban biên tập tờ NYT quyết định chuyển công việc viết lách và biên tập ra ngoài tòa soạn đến một dãy phòng thuê riêng tại khách sạn Hilton ở thành phố New York. Một nhóm biên tập viên được huy động làm việc cấp tốc, lựa chọn các nội dung xuất bản, viết bình luận. Và cuối cùng, điều Ellsberg chờ đợi bấy lâu đã đến: Chủ nhật ngày 13/6/1971, bài báo đầu tiên của loạt bài về “Tài liệu Lầu Năm Góc” được xuất bản trên tờ NYT, trong đó có đoạn trích lời trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng: “Chúng ta có mặt ở Việt Nam 10% là để giúp miền Nam Việt Nam, 20% để giữ chân Trung Quốc và 70% để giữ thể diện cho nước Mỹ”. Bài báo lập tức gây tiếng vang lớn trong dư luận. Báo chí khắp thế giới đua nhau đưa tin về sự kiện này.
Khỏi phải nói bài báo khiến chính quyền Mỹ tức giận đến nhường nào. Các tài liệu giải mật cho thấy, ngay hôm đó, tại Nhà Trắng, Tổng thống Nixon triệu tập Chánh Văn phòng Alexander Haig đến tuyên bố: “Cho dù nó bị rò rỉ từ bất cứ bộ nào, tôi sẽ sa thải người đứng đầu”. Hai ngày sau, trong một cuộc họp với sự có mặt của Kissinger và nhiều quan chức khác, Nixon nói: “Tôi không quan tâm các ông cảm thấy thế nào về cuộc chiến... Đó là một đòn tấn công vào sự toàn vẹn của chính phủ. Thề có Chúa, tôi sẽ chống lại tờ báo khốn kiếp đó. Chúng không biết sẽ phải đối mặt với điều gì đâu”. Cố vấn pháp lý của Nixon kể lại, khi đó Kissinger đã nói: “Daniel Ellsberg là kẻ nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ. Chúng ta phải chặn hắn lại bằng mọi giá”.