Giá bánh về gần giá trị thực
Nhiều năm trước, thời điểm sát rằm tháng Tám, các cửa hiệu bánh lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Long Đình, Thu Hương, Bánh kẹo Hà Nội... tấp tập người mua, nhưng xu hướng vài năm trở lại đây, khách hàng mua bánh “hãng” cứ đuối dần. Mặc dù bánh trung thu của các hãng này khá phong phú, mẫu mã hơn hẳn so với mọi năm, giá cả chỉ từ 40.000 - 100.000 đồng/chiếc nhưng bán vẫn rất chậm.
Mở cửa từ sáng sớm nhưng đến hơn 11 giờ trưa, cha con anh Nguyễn Sĩ - đại lý phân phối bánh trung thu các thương hiệu Kinh Đô, Đồng Khánh và Như Lan trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) chỉ mới đón vài lượt khách. Theo nhận xét của anh Sĩ, bánh phân khúc cao cấp, dùng để biếu, tặng dễ bán hơn bánh bình dân - loại chủ yếu dành cho người tiêu dùng mua về ăn. Nay đã cận ngày Rằm rồi, các công ty, doanh nghiệp mua tặng cũng đã xong việc từ hơn tuần trước nên bánh cao cấp không còn nhiều. “Ngược lại, bánh bình dân lại còn nhiều quá, mà sức mua ế ẩm thế này chắc ế bánh rồi”- anh Sĩ cười nói.
Cùng cảnh ngộ, dự đoán sức mua giảm nên bà Dương Thu Hằng – cửa hàng phân phối bánh trung thu trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) chỉ nhập một lượng bánh ít hơn năm trước 30%. Dù địa điểm bán hàng nằm trong khu phố đông dân cư nhưng số lượng bánh bà Hằng bán ra khá chậm, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 30 – 35 chiếc. Dạo quanh một số khu phố chính ở Đà Nẵng như Đống Đa, Nguyễn Hữu Thọ, Điện Biên Phủ... nơi có nhiều gian hàng bánh trung thu được bày bán thấy các cửa hàng khá vắng người mua. Chị Nguyễn Thị Diệu Mỹ, nhân viên gian hàng bánh trung thu Hữu Nghị cho biết, sức mua mấy ngày nay rất đìu hiu, sau 10 ngày đặt quầy, chỉ bán được 50 chiếc bánh.
Anh Nguyễn Văn Dũng - Giám sát bán hàng của Công ty Bánh Hữu Nghị tại Đà Nẵng cho biết, mùa trung thu năm nay, công ty đặt 5 quầy tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, lượng hàng năm nay giảm đáng kể, so với năm ngoái giảm 50% lượng hàng tiêu thụ.
Nông thôn: Bánh không nhãn mác, hạn sử dụng
Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, bánh trung thu "siêu rẻ", không có nhãn mác, xuất xứ chiếm thị phần khá lớn. Người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 15.000 - 20.000 đồng là mua được một chiếc bánh khá bắt mắt, với đầy đủ hương vị được bày bán trà trộn ngay trong những cửa hàng có treo thương hiệu bánh trung thu của các hãng lớn, có uy tín. Qua khảo sát của phóng viên tại một số đại lý nhỏ ở các vùng quê như huyện Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh), bánh trung thu đóng gói trần, không ghi rõ địa chỉ sản xuất được bày bán ê hề, bán với giá rẻ bất ngờ, từ 20.000-30.000 đồng/hộp. Những loại bánh này được tiêu thụ mạnh ở các vùng nông thôn bởi giá thành rẻ, hiểu biết của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm còn khá mơ hồ. Đây cũng là thị trường để các loại bánh kém chất lượng đội lốt bánh gia truyền thâm nhập.
Tại các chợ ở vùng nông thôn như: Nghi Lộc, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… (Nghệ An), bánh trung thu không rõ nguồn gốc cũng được bày bán tràn lan. Chị Trần Thị H (chủ cửa hàng ở huyện Diễn Châu) cho biết: Năm nào cũng thế, cứ đầu tháng 8 âm lịch là có rất nhiều người gọi đến mời nhập bánh trung thu. Họ đánh vào tâm lý ham rẻ của người nông dân nên tuồn các loại bánh giá rẻ về các cửa hàng tạp hóa, sau đó các tiểu thương đến lấy rồi phân bổ ra các chợ bán.
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sinh, chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm: Cái khó trong xử lý về ATVSTP của cơ quan chuyên môn hiện nay khi kiểm tra nếu nghi ngờ phải tổ chức niêm phong và lấy mẫu xét nghiệm gửi mẫu ra Hà Nội (do địa phương không có máy móc hiện đại) mất rất nhiều thời gian. Nhưng nếu cơ sở sản xuất đó không vi phạm mà niêm phong hàng hóa của họ trong thời gian dài, gây thiệt hại về kinh tế thì phải bồi thường”.