Dân Việt

Những “đại sứ không lương” ở Séc

09/09/2014 06:29 GMT+7
Trách nhiệm và đam mê. Chỉ có thể giải thích sự nhiệt tình của các "đại sứ văn hóa" bằng bốn chữ đó. Từ trang phục, đạo cụ, phương tiện đi lại cho đến thời gian, sức lực đều do chính các nghệ sỹ không chuyên tự nguyện đóng góp.
Nhìn đời tươi đẹp và nhân ái hơn là cảm xúc của phóng viên khi chứng kiến sự thăng hoa của các nghệ sỹ Việt không chuyên ở CH Séc.

Rất nhiều thời gian, sức lực và tâm huyết đã đổ ra để có được vài phút ngắn ngủi trên sân khấu "Hành tinh đa sắc màu" của cuộc Liên hoan Hỗ trợ hội nhập cho người nước ngoài ở trung tâm thành phố Usti nad Labem, thủ phủ của tỉnh Usti. Sự hiện diện của văn hóa Việt Nam tại cuộc vui chung của tất cả các cộng đồng sắc tộc ở Séc thực sự ấn tượng.
img Hát Quan họ Mời trầu tại Liên hoan Hỗ trợ hội nhập cho người nước ngoài ở thành phố Usti nad Lebem. Ảnh: Ngọc Mai/TTXVN
Các anh chị em trong Câu lạc bộ Văn nghệ Usti đã luyện tập hàng tháng trời cho hai tiết mục tốp ca nữ "Một thoáng quê hương" của nhạc sỹ Thanh Tùng và tốp ca nam nữ Mời trầu (Quan họ). 12 giờ trưa, bỏ mặc việc kinh doanh đang trong thời kỳ khó khăn, các chị Lan, Nhàn, Đào, Tân, Hường, Thi, Chi, Thanh Thủy cùng các anh Quốc Tiến, Thắng, Hoàn, Cừtập trung ở cửa hàng anh chị Quảng - Thủy nằm gần quảng trường trung tâm. Họ ôn lại từng lời ca, động tác lần cuối.

Hơn 2 giờ chiều, cả đội văn nghệ trong bộ trang phục dân tộc kéo nhau ra cạnh sân khấu dưới cái nắng gắt bất thường của mùa Thu nước Séc. Mọi người kiên nhẫn chờ hơn một giờ mới đến lượt biểu diễn. Xen kẽ giữa hai tiết mục của CLB Văn nghệ Usti nad Labem là tiết mục múa nón khỏe khoắn của các bạn trẻ Usti và múa quạt uyển chuyển của Chi hội Phụ nữ thành phố Decin (Dechin).
img 
Trách nhiệm và đam mê. Chỉ có thể giải thích sự nhiệt tình của các "đại sứ văn hóa" bằng bốn chữ đó. Từ trang phục, đạo cụ, phương tiện đi lại cho đến thời gian, sức lực đều do chính các nghệ sỹ không chuyên tự nguyện đóng góp.

Có gia đình đóng góp tới ba diễn viên như anh Phạm Văn Quảng, chị Thu Thủy, cháu Thu. Có gia đình góp mặt hai chị em như chị Thanh Thủy, anh Nam Thắng... Các nghệ sỹ chỉ cần lời "hô" của Chi hội Người Việt Nam ở Usti nad Labem mà không đòi hỏi bất cứ sự bù đắp nào từ phía Đại sứ quán Việt Nam cũng như Hội Người Việt Nam tại CH Séc. Những tiếng vỗ tay tán thưởng, ánh mắt thân thiện và sự ghi nhận nét đẹp văn hóa Việt từ phía người xem là phần thưởng mà họ mong đợi và để có được điều đó họ phải hy sinh cả việc kinh doanh của gia đình.

Tại Liên hoan Hỗ trợ hội nhập cho người nước ngoài ở Usti nad Labem ở cách thủ đô hơn 100 km, chúng tôi gặp lại "người quen" - Trần Bạch Hường. Chị từng là "nhân vật" trong các tấm hình mà phóng viên TTXVN đã ghi lại tại Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Praha hồi tháng 3 năm nay. Vẫn khuôn mặt tươi tắn ấy, vẫn tà áo dài đỏ tươi duyên dáng ấy. Chị đứng sau quầy hàng thủ công mỹ nghệ và cả trong tốp ca nữ thể hiện ca khúc "Một thoáng quê hương" của nhạc sỹ Thanh Tùng.

Chị tâm sự: "Chị em chúng tôi muốn giới thiệu cho người Séc về nền văn hóa của người Việt Nam qua những món ăn, đồ thủ công mỹ nghệ và cả phật pháp. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn giới thiệu với họ vẻ đẹp của người con gái Việt Nam với những tà áo dài và áo tứ thân. Chúng tôi muốn thể hiện rằng dù là những đứa con xa quê hương đất nước, chúng tôi vẫn yêu nét đẹp truyền thống của dân tộc. Và tôi mong rằng qua những hình ảnh này, những người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ có sự đồng cảm và thương nhớ về nhau".
img Tiết mục Múa quạt của Chi hội Phụ nữ Việt Nam tại thành phố Decin.
Hai năm trước CLB Văn nghệ Usti nad Labem ra đời và từ đó đến nay các hội viên, trong đó có nhóm Quan họ, xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động đối nội và đối ngoại ở địa phương, ở Praha, bất cứ nơi nào có nhu cầu và hoàn toàn miễn phí. Chị Trần Thị Anh Đào, thành viên trẻ nhất và cũng là "người phát ngôn" của CLB. Chị cho biết: "Đối với tôi, mỗi một năm lễ hội lại có một vẻ đẹp khác nhau, rất phong phú và cuốn hút. Chúng tôi hát Quan họ và cả những dòng nhạc khác nữa. Hôm nay tôi có một cảm xúc rất khó tả, vui vì tôi có cơ hội mang những nét văn hóa của người Việt Nam, tà áo dài và những lời ca, nốt nhạc cổ truyền của người Việt Nam quảng bá cho toàn bạn bè năm châu biết. Vi vậy chúng tôi sẽ luyện tập tiếp để sang năm có thể mang lại chương trình văn nghệ tốt hơn".

Các chị trong đội múa của Chi hội Phụ nữ Việt Nam tại Decin, thành phố láng giềng, sau tiết mục của mình đã vội vã trở về vì họ cũng chính là nòng cốt của ban tổ chức Tết Trung Thu cho thiếu nhi. Chị Trần Thị Thu Huyền, Phó chủ tịch Chi hội Phụ nữ, trong trang phục hoa sen cách điệu rực rỡ đã chia sẻ với phóng viên: "Được sự giới thiệu của trưởng ban tổ chức Liên hoan ở Usti, chúng tôi đại diện cho các chị em và người Việt Nam tại thành phố Decin đến đây biểu diễn một điệu múa với tính chất quảng bá văn hóa Việt Nam cho cộng đồng thế giới. Đối với chúng tôi hoa sen chính là biểu tượng của đất nước Việt Nam".

Nước Tiệp Khắc cũ vốn khá thuần nhất về mặt dân tộc. Nhưng giờ đây trên diện tích gần 79.000 cây số vuông của CH Séc có đến 14 sắc tộc thiểu số được chính thức công nhận và nhiều cộng đồng người nhập cư khác. Cộng đồng người Việt là một trong hai sắc tộc thiểu số "trẻ" nhất vì mới được công nhận vào tháng 7 năm ngoái. Chính sách đối với người nhập cư hợp pháp của CH Séc như vậy là rất thông thoáng, nhất là trong sự tương quan với các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, người Séc vẫn phàn nàn về sự "khép kín", "co cụm" của các sắc tộc thiểu số nói riêng và các cộng đồng nhập cư nói chung.
img Gian hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại Lễ hội.
Chính phủ Séc và chính quyền một số địa phương, trong đó có thành phố Usti, hằng năm tổ chức những cuộc liên hoan âm nhạc, các cuộc diễu hành, trình diễn đường phố để người nhập cư và người bản địa có cơ hội giao lưu, dù chỉ là gián tiếp, để từ đó hiểu biết, thông cảm với nhau hơn. Đây cũng là dịp để các sắc tộc thiểu số, cộng đồng nhập cư ở Séc "khoe" những gì tinh tuý nhất, đáng tự hào nhất trong kho tàng văn hóa - văn nghệ của mình.

Chị Daniela Pettrichova, người phụ trách vấn đề hội nhập của người nhập cư ở thành phố Usti nad Labem, rất hài lòng với chương trình biểu diễn của cộng đồng Việt Nam. Chị khẳng định: "Hôm nay chúng tôi tổ chức chương trình Barevna Planeta nhằm giới thiệu (với người dân Séc) những cộng đồng người nước ngoài sống tại CH Séc. Và tôi muốn nói rằng cộng đồng người Việt Nam tại thành phố này đã có nhiều cố gắng để làm đại diện cho toàn thể người Việt Nam nói chung. Những làn điệu dân ca thực sự rất ấn tượng, mặc dù tôi không thể hiểu được từng chữ, nhưng tôi có thể cảm thấy điều gì đó".