Hiện tại mục Văn hóa - Nghệ thuật của tờ Huff Post (Mỹ) đang triển khai một loạt bài phản ánh chân dung có tiêu đề “Project 24” (Dự án 24). Trong đó, cuộc sống và công việc của những nghệ sĩ trẻ đang sinh sống tại thành phố New York sẽ được khắc họa chân thực.
Nữ nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt - Nguyễn Chi - được lựa chọn là người đầu tiên xuất hiện trong loạt bài viết này. Chi được giới thiệu là một nghệ sĩ đang đi tìm “sự kết nối”, bởi cô hay tự hỏi mình rằng: Kết nối với ai? Đối với Chi, câu hỏi đơn giản đó thật khó trả lời.
Nguyễn Chi mang trong mình nỗi tâm sự của những người nhập cư vào Mỹ. Về pháp lý, họ là người Mỹ nhưng trong tâm thức, họ biết rằng mình không phải những người Mỹ đích thực…
Chi hiểu rằng ở đất nước đa chủng tộc này, cô mãi mãi là một người nước ngoài, một người lạ lẫm đối với từng vùng đất cô đi qua và từng con người cô gặp gỡ. Cô không quá thân thuộc với đất nước này. Theo cha mẹ rời Việt Nam để tới sinh sống ở Mỹ từ năm 12 tuổi, Chi khi đó không biết bất cứ điều gì về nước Mỹ, kể cả ngôn ngữ.
Tuy vậy, áp lực cuộc sống đã buộc Chi phải tập làm quen với nước Mỹ, học cách giao tiếp bằng tiếng Anh. Dần dần, Chi có thể nói được trôi chảy và thành thạo tiếng Anh. Ở trường, cô học hành chăm chỉ và luôn nằm trong top những học sinh xuất sắc nhất.
Là một nghệ sĩ trẻ, Chi sử dụng khả năng đan lát của mình để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Đây là một kỹ năng mà bà và mẹ cô sử dụng rất thành thạo và Chi đã được “thừa kế” lại. Trước đây, cô gái trẻ này thường nói tên mình là Chi Nguyễn - một cách sắp xếp tên họ theo kiểu Mỹ. Nhưng giờ đây, cô quyết định đổi lại là Nguyễn Chi - một cách để thể hiện rằng chính quá khứ đã trở thành động lực tạo nên sức mạnh của cô hôm nay.
Các ngày trong tuần, Chi làm công việc hành chính tại một trường đào tạo nghệ thuật, đó là phương cách để cô duy trì cuộc sống ổn định. Ngoài những giờ làm việc, cô thường có mặt tại studio riêng để say sưa thực hiện các tác phẩm của mình. Chi có thể vẽ tranh sơn dầu, đan lát, thiết kế đồ họa, viết văn…
Chi chia sẻ rằng cô là một “người chuyển giao nhạy cảm”: cô nhìn lại quá khứ để tìm kiếm sự tha thứ và chấp nhận, cô nhìn tới tương lai với hy vọng về sự trọn vẹn, không hối tiếc; Việt Nam và Mỹ; chất riêng của cố hương và áp lực phải hòa nhập vào xã hội mình đang sống… Đó là những giới hạn mà Chi luôn phải đối diện.
Chia sẻ một cách chân tình, Chi nói rằng cô không cảm thấy mình thực sự thuộc về Việt Nam, nhưng cô cũng không gắn bó với nước Mỹ. Cô hy vọng con đường nghệ thuật của mình sẽ giúp những người giống như cô cảm thấy được kết nối lại với nhau, và nếu họ không cảm thấy mình thực sự thuộc về đâu - giống như Chi - thì ít nhất họ cũng thuộc về nhau.
Tranh của Nguyễn Chi