Dân Việt

Câu chuyện về loài cá có biệt danh “khôn ba năm, dại một giờ”

10/09/2014 08:23 GMT+7
Mặc dù nổi tiếng là tinh ranh và khôn ngoan so với đồng loại, nhưng có những thời điểm, cá chép tỏ ra rất dại dột. Ấy là “thời khắc vàng” cho con người lợi dụng, để dễ dàng săn bắt chúng với số lượng lớn. 
Trong nhiều cuộc “đấu trí”, sự khôn ngoan và tinh ranh ấy “chẳng là gì” so với những thợ săn cá được trang bị đến “tận răng”, cùng sự lạnh lùng đến tàn nhẫn, tham lam...

Theo kinh nghiệm của những người săn cá chép, loài cá này đẻ theo mùa, thời điểm cuối tháng 12 âm lịch cho đến tháng 2 năm sau. Khi nào gió thổi mang hơi ấm về, thì chắc chắn những con chép cái lặc lè bụng trứng sẽ tìm chỗ mà “vật đẻ”. Chỗ chúng chọn là nơi nước nông, nhiều rong rêu, nước chảy chầm chậm.

Ngoài ra, những chân ruộng chiềng chập chẹ nước, thơm mùi đất mới, cũng được chúng rất ưa thích. Gọi là “vật đẻ”, bởi khi thực hiện thiên chức thiêng liêng duy trì nòi giống, cá chép quẫy đuôi rất mạnh. Những con to chừng dăm ba cân trở lên, tiếng quẫy nước chẳng khác tiếng động khi trâu đằm bùn phát ra. Từ khoảng cách hàng trăm mét, cũng nghe rõ.

 

Khi đẻ, cá chép cái nằm ngửa bụng mà quẫy, mà đạp, để đau đớn rặn những quả trứng đang căng lè trong khoang bụng. Khi này, cá chép đực quanh quẩn chung quanh mà rưới chất đục đục, trắng trắng lên những quả trứng (thụ tinh ngoài). Còn người thợ săn thì thích thú, bởi bắt cá chép đẻ cũng “hời” như bắt sam, thường được “cả chàng lẫn ả”. Nếu “hên”, thế nào cũng thêm dăm ba anh cá nheo, nần nẫn như bắp chân, luôn lảng vảng rình mò ăn trứng.

Khi cá chép “vật đẻ”, người thợ săn cá chỉ cần ngồi yên một chỗ, xác định chính xác nơi chúng làm ổ, giơ nơm lên cao và chạy nhanh tới. Xoảng. Cả đôi nằm gọn trong nơm. Lúc này, chỉ việc cho vào túi, vào giỏ và tiếp tục rình đôi cá khác đắm đuối trong “vũ điệu tình yêu”.

Cũng có lúc trượt chân, úp trượt. Có một điều lạ kỳ mà chưa có thợ săn cá lão làng nào giải thích được, nếu úp được 1 trong số 2 bạn tình này. Nếu chỉ có cá chép đực sa vào nơm, thì cá chép cái sẵn sàng bỏ đi tìm con đực khác để thụ trứng. Còn nếu cá chép cái bị bắt, cá chép đực vẫn quay lại để thụ tinh nốt cho đám trứng. Chẳng biết do chung thủy hay khao khát mãnh liệt được làm cha khiến nó mê muội?

Ngoài cái sự “dại một giờ” mùa “vật đẻ”, loài cá chép ngày càng “dại” hơn so với con người, mà sa bẫy nhiều hơn. Anh Cao, một “cần thủ” có tiếng ở thôn Lạng Côn, xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), bùi ngùi: “Không chỉ cá chép, mà nhiều loài cá khác ở sông Đa Độ ngày càng hiếm cũng do sự tàn nhẫn của con người.

Ngoài chài lưới, họ nghĩ ra đủ cách để “tận diệt” nguồn tôm, cá. Đáng sợ nhất là những chiếc lưới vét dài hàng trăm mét. Mỗi khi đi bắt cá, họ quây lưới khắp một đoạn sông, lưới chạm đáy sông. Rồi năm, bảy người hò nhau kéo.

Đánh bắt kiểu này, hầu như chẳng loài thủy sản nào có cơ may thoát khỏi “thiên la địa võng” ấy, kể cả những con cá bằng ngón tay út. Mỗi khi thành phố tổ chức thả cá giống nhằm tăng nguồn lợi thủy sản xuống dòng sông Đa Độ, họ lại “đón lõng”.

Cơ quan chức năng thả xuống bao nhiêu, thì họ bắt lại đủ bấy nhiêu. Có mẻ thu cả tấn cá. Những con cá trắm đen, rô phi, mè, chép, trắm cỏ... chỉ bằng ngón tay, được bán với giá vài nghìn đồng/kg, người ta mua về nấu cho lợn ăn. Nghĩ mà xót xa!”.

 

Theo anh Cao, hiện trên dòng sông Đa Độ có 2 nhóm chuyên kéo lưới vét không kể ngày đêm. Vì thế, sông Đa Độ ngày càng ít tôm cá, nhất là những con cá to. Khoảng 20-30 năm trước, thợ săn cá thường xuyên bắt được cá chép, trắm đen, vược... nặng cả chục cân. Giờ, chỉ còn trong những câu chuyện được kể lại với sự tiếc nuối, đôi khi pha chút giận dữ.

Bên cạnh lưới vét, thủ phạm “góp phần” vào sự cạn kiện tôm cá không những trên dòng sông Đa Độ, mà còn ở nhiều dòng sông, cánh đồng khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng và phạm vi toàn quốc, đó chính là những chiếc te kích điện.

Nguồn điện ắc-quy 12 V, qua bộ phận “kích”, bỗng trở nên nguy hiểm, đặc biệt với những loài thủy sản. Giữa 2 chiếc vợt, khi tiếng “te, te, te...” cất lên, tôm, cá nổi trắng bụng. Cá to, cá nhỏ đều thẳng đuỗn, thậm chí ngay đến trứng cũng khó có thể nở thành cá con được.

Trong số các loài thủy sản, cá chép “nhạy cảm” với te kích điện nhất. Bởi, màu trắng sáng của chúng rất dễ nhận biết và phần mang hở, rộng, dính điện là phành mang, người cứng đơ, trăm phát, trúng cả trăm. Nguy hiểm hơn, ở ven bờ sông Đa Độ, một số gia đình tận dụng nguồn điện lưới 220 V để bắt cá.

Một chiếc thuyền, 1 chiếc vợt dài được đan bằng sợi dây đồng nhỏ, vài trăm mét dây đơn- một đầu nối với vợt, đầu kia cắm vào pha dương nguồn điện, là có thể bắt cá trong phạm vi chiều dài sợi dây có thể với tới.

Theo ông Giám, ở thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), giờ đây, thợ săn cá còn dùng điện để bẫy và bắt cá chép. Trước tiên, họ chọn khúc sông nhiều cá rồi thả chiếc lồng khung cứng, bao bằng lưới hoặc đan bằng sợi thép nhỏ, đặt mồi cho cá chép quen ăn mà rủ nhau tìm đến.

Khi nào thấy tăm cá chép nổi nhiều, loại tăm từng đợt 3 chiếc, nổi lên trên mặt nước khoảng 2-3 giây mới vỡ, thì ấn nút đóng điện. Cả một vùng mặt nước xôn xao, bùn đất cuộn lên thành từng quầng. Có mẻ nhấc lên hàng chục cân cá chép.

Với kiểu đánh bắt hủy diệt này, nếu ngành chức năng không ra tay, quyết liệt ngăn chặn và xử lý nghiêm, thì không lâu nữa, không chỉ cá chép mà nhiều loài cá khác sẽ chỉ còn trong câu chuyện kể qua ký ức của người lớn. Và loài cá quý “khôn ba năm dại một giờ” chắc chắn sẽ ngày càng vắng bóng.
---------------
Còn tiếp

 ĐỪNG BỎ LỠ: >> KÌ LẠ: Cây ra trái giống hệt… nhũ hoa

>> CHOÁNG VÁNG: Rau, củ, quả giống hệt... “cậu nhỏ” (PHẦN 1)