Xác định vụ đông là vụ chính
Một số năm trở lại đây, ở nhiều tỉnh miền Bắc bà con nông dân thường chỉ sản xuất 2 vụ chính/năm, còn lại suốt 3-4 tháng mùa đông rất nhiều diện tích đất bị bỏ hoang.
Thực tế này khá bất thường bởi theo ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) hiện nay, bằng các biện pháp canh tác tiến bộ, năng suất của hầu hết các cây vụ đông đều tăng. Trong đó, ngô đạt 38,9 tạ/ha (tăng 1,7 tạ/ha), khoai lang đạt 85,4 tạ/ha (tăng1,8 tạ/ha), khoai tây đạt 138,6 tạ/ha, rau đậu đạt 156 tạ/ha. Giá trị thu nhập bình quân của vụ đông năm 2013 đạt khoảng trên dưới 40 triệu đồng/ha; tổng giá trị thu nhập cả nước ước đạt 18 – 20.000 tỷ đồng. Một số cây có giá trị thu nhập cao như hơn khoai tây 60 – 70 triệu đồng/ha; rau đậu 70 – 80 triệu đồng/ha; hoa, cây cảnh 150 – 130 triệu đồng/ha; ớt 400 – 500 triệu đồng/ha.
“Mặc dù cây vụ đông được xác định là vụ chính với nhiều chính sách hỗ trợ nhưng 2 năm trở lại đây diện tích cây vụ đông vẫn khó tăng thêm. Nguyên nhân là do cây vụ đông phụ thuộc nhiều vào thời tiết, ở khu vực nông thôn thiếu lao động cho sản xuất, giá cả cũng bấp bênh nên nhiều người dân không mặn mà”, ông Định cho biết.
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ: “Với lễ phát động lần này, ngành nông nghiệp hy vọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ tạo ra những giá trị lớn nên quan điểm là đẩy mạnh diện tích cây vụ đông trên đất hai lúa”. Tuy nhiên, theo ông Doanh, muốn sản xuất hiệu quả cây vụ đông cần phải tổ chức lại liên kết vì sản xuất manh mún thì không thể đem lại hiệu quả cao. Và để đạt mục tiêu gieo trồng từ 450.000 đến 460.000ha cây vụ đông năm 2014 ở miền Bắc, với tổng giá trị sản xuất từ 20.000 đến 22.000 tỷ đồng thì các tỉnh phải tích cực triển khai các biện pháp cụ thể ngay từ đầu vụ.
“Kéo” nông dân sản xuất vụ đông
Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để đẩy mạnh diện tích cây vụ đông, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ lớn cho người dân. Cụ thể, đối với cây ưa ấm, tỉnh hỗ trợ 15 tỷ đồng (bao gồm cung ứng vật tư, giống, phân bón) cho các hộ dân trồng các loại cây ngô, đậu tương, khoai tây… Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ 11 tỷ đồng cho người dân trồng cây vụ đông ưa lạnh. Ngoài ra, năm nay tỉnh cũng quyết định hỗ trợ thí điểm 1.500 ha với mức 2 triệu đồng/1ha cây vụ đông cho các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã có diện tích trồng cây vụ đông lớn.
“Chúng tôi xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, đem lại thu nhập cao cho người dân nên cần phải “đối xử” như 2 vụ lúa. Với mức hỗ trợ này, năm nay đã có doanh nghiệp mạnh dạn “thu gom” được 50ha để sản xuất cây vụ đông”, ông Dũng nói.
Cùng chung quan điểm như ông Dũng, ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hà Nội cho biết: “Vụ đông năm 2013 của thành phố đã đem lại tổng giá trị khoảng 2.500 tỷ đồng. Năm nay chúng tôi dự kiến vận động nông dân trồng hơn 50.000ha, đạt giá trị sản xuất hơn 2.700 tỷ đồng”.
Hiện UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch để đưa ra chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất cây vụ đông như hỗ trợ về giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV…
Ngoài hỗ trợ về sản xuất, nhiều tỉnh còn sẵn sàng đầu tư, hỗ trợ người dân khâu chế biến và bao tiêu sản phẩm. Theo ông Đỗ Hải Điền – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, có những năm, diện tích cây vụ đông của tỉnh lên tới 21.000ha, nhưng do thị trường tiêu thụ không có nên ngày càng giảm xuống, đến giờ chỉ còn 15.000ha. “Chúng tôi có vùng sản xuất cây vụ đông, nhưng lại rất khó khăn về nước tưới. Chúng tôi trồng rất nhiều đậu tương nhưng đúng thời điểm thu hoạch thì mưa liên miên nên tỷ lệ bị mốc rất nhiều, bán không được giá. Do đó, năm nay chúng tôi sẽ hỗ trợ đầu tư khâu chế biến, bảo quản sản phẩm như máy sấy”, ông Điền nói.