Theo tiếng Cơtu thì, tung tung - da dá là điệu múa dân gian, dân vũ truyền thống lâu đời của đồng bào Cơtu Quảng Nam. Tung tung là điệu múa dân vũ cho đàn ông, con trai Cơtu tái hiện cảnh đi săn thú và là điệu múa mừng chiến thắng, thể hiện tinh thần thượng võ của người Cơtu.
Ngôn ngữ múa gởi gắm niềm hy vọng vào lớp thanh niên trai tráng Cơtu vươn lên tiếp bước truyền thống những người đi trước giữ gìn và bảo vệ quê hương núi rừng, cho tồn tại của cộng đồng. Xưa, khi múa đàn ông Cơtu mặc khố, áo bằng vỏ cây.
Nay, trai tráng Cơtu mặc khố thổ cẩm trên vai tréo tấm choàng với dáng chữ X hoặc choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chắc cây khiên, cây dáo, cây mác hay cây dụ. Hoặc không thì nắm chắc tay bạn bên cạnh chiếc ná tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin, sôi động và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng, không sợ khi đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hại, đồng thời còn thể hiện niềm động viên vững tin, yêu cuộc sống, yêu làng quê, yêu núi rừng.
Cũng theo tiếng Cơtu thì, da dá là điệu múa của phụ nữ Cơtu được bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật từ thuở xa xưa. Với ý nghĩa đó, múa da dá dành cho những người phụ nữ và con gái Cơtu vốn tính thùy mỵ, thương chồng yêu con, yêu núi rừng, thầm lặng tất cả vì sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng.
Để thể hiện điệu múa da dá, xưa phụ nữ Cơtu mặc váy, áo bằng vỏ cây. Nay, khi múa phụ nữ Cơtu mặc váy dài vai trần lộ, váy ngắn kèm áo a doót(áo cột tay) dệt bằng thổ cẩm nhiều hoa văn với những sắc màu sinh động, cổ đeo vòng cườm, mả não hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng, mắt nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi trần nhón gót lên lết tròn ngược kim đồng hồ. Khi múa, đôi chân người phụ nữ đứng thẳng khoan thai, đôi tay vươn lên khởi đầu, bàn tay đưa ngả theo hướng sau lưng như chống cả bầu trời, giống đôi sừng trâu biểu tượng "đầu trâu móng nước" một sắc thái văn hóa nhiều dân tộc thiểu số, cũng như tượng hiến tế của người Cơtu.
Tung tung - da dá là điệu múa hòa trộn cho thấy sự hiệp lực của đàn ông, thanh niên với đàn bà và thiếu nữ Cơtu cũng là âm dương trong vũ trụ bao la xảy ra trong cùng một thời gian và xoay vòng trong một vòng tròn nhất định. Do đó, khi tham gia vào vòng tròn trong điệu múa, bao giờ đàn bà, con gái cũng bước ra múa trước nối tiếp hàng đàn ông, con trai tạo thành vòng múa di chuyển từ trái sang phải, còn từng người tự quay vòng tròn quanh mình, chân nhún nhẹ nhàng luôn thực hiện động tác từ phải sang trái theo nhịp điệu cồng chiêng và tiếng trống thập thình nhịp nhàng trên đôi chân và nhẹ nhàng quay thân mình theo chiều thuận kim đồng hồ.
Tung tung da dá trở thành thần tố thúc đẩylao động sản xuất phát triển. Tung tung da dá còn là nơi gởi gắm tình yêu đôi lứa, yêu làng bản, yêu mảnh rừng... của người Cơtu. Tung tungda dá như gắn bó chặt chẽ con người với con người, con người với cuộc sống thiên nhiên hơn.
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể phi vật thể của các dân tộc, trong phiên họp Hội đồng Di sản Quốc gia lần thứ VII tại Hà Nội vào ngày 12.8.2014, đã công nhận loại hình múa tung tung da dá của người Cơtu là Quảng Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Từ điệu múa hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn, trải qua bao thăng trầm nhưng nó luôn được người Cơtu gìn giữ như báu vật, góp phần làm nên bản sắc riêng - Văn hoá Cơtu. Tuy nhiên, vẫn có khó khăn trong việc duy trì, bảo tồn phát huy và phát triển dễ dẫn đến thất truyền. Do đó cần có biện pháp cụ thể, thích hợp, đầu tư thật sự cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tạo điều kiện cho văn văn hóa, nghệ thuật phát triển cùng với phát triển kinh tế - xã hội góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới.